Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:48 (GMT +7)
Bình Phước Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng
Thứ 4, 05/04/2023 | 13:07:30 [GMT +7] A A
Cả nước hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó hơn 90% là DN nhỏ và vừa. Những năm gần đây, theo xu thế và đòi hỏi của thị trường, nhiều DN đã tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để có thể sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN đang gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Tích cực tham gia chuỗi cung ứng
Mặc dù phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng ngay từ giai đoạn đầu tái lập tỉnh, Bình Phước đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu với những sản phẩm đặc trưng như: mủ cao su, hạt điều, tiêu, củ mì qua chế biến phục vụ các ngành chế biến, chế tạo ngoài nước.
Trong giai đoạn tái cơ cấu ngành công thương lần thứ nhất (2010-2015), Bình Phước có khoảng 300 DN, chủ yếu là nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bước sang giai đoạn tái cơ cấu ngành công thương lần thứ hai (2016-2020), số DN tham gia vào chuỗi cung ứng đã tăng lên 400, chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Và giai đoạn tái cơ cấu ngành công thương lần thứ ba (2021-2025), toàn tỉnh có khoảng 600 DN và bắt đầu hình thành nhiều DN lớn với doanh thu hằng năm từ 100 triệu USD, chiếm khoảng 10% số DN. Khu vực DN nhỏ và vừa trong nước chiếm 65% về số DN, nhưng đóng góp 35% năng lực ngoại thương toàn tỉnh, tỷ phần còn lại thuộc về khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Giai đoạn này công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 50% năng lực ngoại thương toàn tỉnh và trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế cho các ngành hàng nông sản chế biến, dệt may, giày dép, cơ khí chế tạo, nhựa, gỗ nội - ngoại thất và viên nén gỗ. Giai đoạn này Bình Phước vừa là đích đến của chuỗi cung ứng quốc tế cho cùng các nhóm sản phẩm xuất khẩu, nhưng cũng chính thức bước vào thời kỳ chế biến sâu, sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động. Kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt bình quân 8 tỷ USD/năm. Mức độ lan tỏa của khu vực FDI sang khu vực tư nhân tại địa phương bắt đầu rõ nét bằng những cơ chế điều phối chặt chẽ và hiệu quả xuyên suốt chuỗi giá trị, chuỗi liên kết để mở đầu cho việc tham gia sâu và hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mở ra nhiều cơ hội mới
Khu vực DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh bao gồm cả DN trong nước và DN FDI đã, đang khẳng định vai trò đóng góp về tạo việc làm, tăng thu ngân sách, tăng thu nhập cho người dân cũng như tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng chung của khu vực công thương trong GRDP của tỉnh luôn vượt trội khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản theo đúng định hướng phát triển của tỉnh ở các giai đoạn.
Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời kỳ đầu giai đoạn 2021-2025, Bình Phước cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước trải qua khó khăn rất lớn do đại dịch Covid-19, biến động trên thị trường quốc tế ở cả hai chiều xuất - nhập khẩu, chính sách các nước nhập khẩu điều chỉnh đã tác động ngay, trực tiếp và mạnh mẽ đến khu vực DN nhỏ và vừa của tỉnh. Tuy nhiên, từ đây đang mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh tái cấu trúc lại toàn bộ các ngành hàng, lĩnh vực, sản phẩm; xây dựng chuỗi giá trị xuất khẩu, chuỗi liên kết từ vùng trồng tới thị trường bán lẻ nước ngoài.
Sở Công Thương xác định, việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa của tỉnh rất quan trọng và đi vào thực chất hơn từ chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cần và đủ, định hướng cụ thể ngành hàng, lĩnh vực, sản phẩm gắn với từng thị trường. Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định 2023 là năm đổi mới với trọng tâm thúc đẩy có hiệu quả thu hút đầu tư FDI vào tỉnh và tăng tốc xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa của tỉnh vào hơn 10 thị trường quốc tế trọng điểm mà Bình Phước có tiềm năng, lợi thế, thế mạnh để phát huy nội lực. “Bởi vậy, chúng tôi trọng thị và sẵn sàng chung tay hành động cùng khu vực tư nhân, FDI và các bên thứ ba có liên quan để hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Vũ Ngọc Long khẳng định.
Hỗ trợ để cùng phát triển
Nhằm tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ngày 12-8-2022, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 của Chính phủ. Theo kế hoạch này, UBND tỉnh đưa ra một số nội dung hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, gồm: Hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình, khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ lãi suất...
Thông tin hỗ trợ và chính sách liên quan được công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử tỉnh (binhphuoc.gov.vn), cổng thông tin hỗ trợ DN nhỏ và vừa (www.business.gov.vn) để DN dễ dàng tiếp cận và khai thác. Đây cũng là cách để tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương và DN nhỏ và vừa trên địa bàn; đồng bộ với các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và quy định khác có liên quan.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()