Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:38 (GMT +7)
Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên
Thứ 6, 12/04/2024 | 09:15:32 [GMT +7] A A
Với sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương, các cấp hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã vượt lên số phận, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Anh Vũ Duy Thế (tổ 1, khu 7, phường Hà Tu, TP Hạ Long) sau một lần bị tai nạn đã vĩnh viễn mất đi chân phải. Đang ở cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, khi ấy với Vũ Duy Thế mọi ước mơ, hoài bão dường như tan vỡ. Vực dậy tinh thần sau nỗi đau, với ý chí, nghị lực của bản thân cùng sự quan tâm, động viên của gia đình, anh Thế đã vươn lên với mong muốn không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thế đã quyết tâm đi Hà Nội học nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh. Vừa học, Thế cần mẫn mày mò nghiên cứu để nâng cao trình độ. Khi có nghề trong tay, Thế bắt đầu công việc để tự trang trải cuộc sống, nuôi sống bản thân và chăm lo cho gia đình. Đến nay, sau gần 20 năm, Vũ Duy Thế đã gây dựng được cơ sở sửa chữa điện tử, điện lạnh và có lượng khách hàng ổn định với thu nhập khá. Cơ sở của anh còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương ổn định.
Anh Vũ Duy Thế, tâm sự: "Người tàn tật thường rất mặc cảm, tự ti. Vì vậy, hơn ai hết muốn được phát triển bản thân thì trước mắt bản thân người khuyết tật phải vượt qua được mặc cảm, hòa đồng với mọi người và phải nỗ lực hơn rất nhiều người bình thường. Chắc chắn, mọi cố gắng sẽ được đền đáp...".
Trước đây, cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, anh Lê Đăng Khoa (thôn Sơn Hải, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) là người khiếm thị nặng. Anh có 2 người con, thì một người cũng bị khiếm thị giống anh; mẹ già và vợ thường xuyên đau yếu, nên cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể, bà con lối xóm thường xuyên thăm hỏi, năm 2022 từ số tiền 20 triệu đồng vay thông qua Hội Người mù tỉnh, anh Khoa đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, trên diện tích khoảng 2ha, gia đình anh nuôi lợn sinh sản, gà, trâu, trồng keo và các loại hoa màu ngô, khoai, trung bình gia đình anh thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Gia đình anh đã thoát nghèo, xây được căn nhà khang trang đẹp đẽ, sắm sửa tiện nghi, nuôi hai con ăn học, đồng thời còn tích cực tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ của địa phương, nhất là tham gia đóng góp làm đường dân sinh, xây dựng nông thôn mới... Anh Lê Đăng Khoa cho biết: "Biết rằng mình không thể thay đổi được số phận nên không cách nào khác là phải nỗ lực vươn lên. Tôi luôn động viên vợ và các con không được mặc cảm, mà luôn phải cố gắng hết mình, làm chủ chính cuộc sống của mình...".
Trên đây là hai trong nhiều tấm gương người khuyết tật đã luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng vượt lên số phận để có cuộc sống tốt hơn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 22.000 người khuyết tật, trong đó trên 14.000 người khuyết tật nặng và 5.000 người khuyết tật đặc biệt nặng. Trong hành trình vượt lên số phận, ngoài sự quan tâm, động viên của gia đình, người thân, bạn bè, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, nhất là Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh cùng các cấp hội đặc thù khác. Đặc biệt, tỉnh đã dành nhiều quan tâm, ban hành các chính sách hỗ trợ người yếu thế trong cuộc sống. Điển hình là Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn Quảng Ninh. Mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh được nâng lên 450.000 đồng/tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng, giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/12/2022 và tăng lên 500.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2023 trở đi, cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với trợ cấp xã hội hằng tháng, các đối tượng thụ hưởng còn được hỗ trợ về BHYT; chi phí khám, chữa bệnh, học phí, mai táng và được nhận nhiều hỗ trợ khác. Năm 2023, với việc thực hiện chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh, nhiều người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, có cuộc sống ổn định trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố.
Cùng với nghị lực vượt lên hoàn cảnh của người khuyết tật, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể tiếp tục quan tâm, chăm lo, đồng hành cùng người khuyết tật; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để có sự quan tâm "trợ lực" kịp thời cho người khuyết tật.
Mai Hương
Liên kết website
Ý kiến ()