Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:46 (GMT +7)
Hoa hồi Lạng Sơn và hành trình vươn ra thế giới
Thứ 6, 28/04/2023 | 17:05:01 [GMT +7] A A
Nếu như trước đây, sản phẩm hồi của Lạng Sơn chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc thì đến nay, đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Có được kết quả này là cả một hành trình dài với sự nỗ lực của các cấp, ngành liên quan, người dân và doanh nghiệp.
Hoàn thiện các thủ tục pháp lý
Lạng Sơn hiện có trên 41.000 ha hồi, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 28.000 ha, sản lượng hồi khô bình quân đạt 12.000 – 15.000 tấn/năm. Hoa hồi Lạng Sơn có hàm lượng tinh dầu cao (trên 11%), hàm lượng trans – anethol (hợp chất tạo ra mùi đặc trưng) trên 90%, trong tinh dầu không có độc tố. Hồi và các sản phẩm từ hồi có ứng dụng rất phong phú trong y, dược, thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng sâu bệnh. Tại châu Âu hồi được sử dụng để tạo ra các loại bánh kẹo, rượu có hương vị hồi, làm chất giữ mùi hương cho nước hoa… Đặc biệt hồi là nguyên liệu chính để bào chế thuốc kháng virus cúm Tamiflu.
Thấy được những khó khăn của người trồng hồi khi chỉ có một thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, UBND tỉnh đã đưa sản phẩm hồi vào chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh và giao Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trực tiếp triển khai. Năm 2007, chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn được bảo hộ và trở thành tài sản quốc gia. Cùng đó UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở KH&CN đăng ký chỉ dẫn địa lý Hoa hồi tại châu Âu và một số nước nhập khẩu hồi.
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở KH&CN đã đề xuất với Bộ KH&CN đưa chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn vào kế hoạch hỗ trợ đăng ký bảo hộ tại châu Âu trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ chính sách Đầu tư và Thương mại của châu Âu (EU-MUTRAP). Tuy nhiên, để vào được thị trường châu Âu thì sản phẩm hồi Lạng Sơn phải đáp ứng những quy định kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như rào cản về kỹ thuật trong thương mại và đáp ứng yêu cầu về bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của châu Âu. Theo đó, hồi xuất khẩu sang châu Âu cũng như một số nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Dubai… phải là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, màu sắc hoàn toàn tự nhiên, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt.
Nỗ lực đưa sản phẩm hồi Lạng Sơn đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu sang châu Âu cũng như những thị trường “khó tính” khác, Sở KH&CN đã từng bước điều chỉnh hệ thống quản lý và vận hành chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn phù hợp với cơ chế quản lý chỉ dẫn địa lý của châu Âu; tập trung làm tốt việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi gắn chỉ dẫn địa lý nhằm đảm bảo chất lượng hoa hồi, tinh dầu hồi Lạng Sơn luôn đạt tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế theo quy định. Song song với việc quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý, Sở KH&CN cũng tích cực triển khai các chương trình đào tạo, hướng dẫn người dân trong vùng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn thực hiện kỹ thuật trồng, cải tạo rừng hồi, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình canh tác, chế biến sản phẩm hồi theo tiêu chuẩn sạch, an toàn; tuyên tuyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng. Cuối năm 2015, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Hoa hồi Lạng Sơn đã được nộp tại cơ quan đăng ký chỉ dẫn địa lý của liên minh châu Âu. Tháng 8/2020, Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) được thực thi. Trong đó, hoa hồi Lạng Sơn là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được châu Âu công nhận bảo hộ. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để sản phẩm hồi Lạng Sơn vươn ra thế giới.
Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi
Chuẩn bị cho hành trình vươn ra thế giới, ngoài cơ sở pháp lý thì quy trình canh tác, thu hái, bảo quản cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong những năm gần đây, Sở NN&PTNT đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Trong đó đối với cây hồi, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển và duy trì ổn định diện tích cho thu hoạch đến năm 2030 khoảng 35.000 ha và thực hiện các giải pháp chăm sóc, nâng cao năng suất đối với 24.000 ha; thực hiện chăm sóc, quản lý rừng theo tiêu chuẩn rừng sản xuất hữu cơ để tăng giá trị, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, sở cũng đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023-2030, trong đó có nội dung hỗ trợ đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo, phát triển, nâng cao năng suất, sản phẩm cây hồi.
Không chỉ có thế, những năm qua, Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan từng bước thiết lập nguồn giống ứng dụng công nghệ cao như nhân giống hồi bằng phương pháp ghép, nuôi cấy mô…; khuyến khích cơ sở sản xuất giống cây trồng nâng cấp hệ thống thông qua một số chương trình hỗ trợ đầu tư hướng đến sản xuất cây giống chất lượng cao; nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, thâm canh cây hồi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hướng dẫn nông dân triển khai thực hiện theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Cùng đó triển khai hợp tác quốc tế trong việc nâng cao trình độ canh tác, chế biến; đề xuất và triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học để cải tạo những rừng hồi già cỗi năng suất thấp, đưa ra quy trình thâm canh cho năng suất, chất lượng cao.Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở NN&PTNT đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng cây hồi trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển rừng hồi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng những giải pháp trên và sự vào cuộc của Sở NN&PTNT, thời gian gần đây, mô hình trồng hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng đang được triển khai tại các huyện: Chi Lăng, Bình Gia, Văn Quan với tổng diện tích 705 ha. Tham gia mô hình, nông dân đã chủ động áp dụng các quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất như: làm đất, chọn giống, bón phân hữu cơ, áp dụng chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm an toàn… Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp cây sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất tăng từ 15 – 20% so với trước. Sản phẩm tạo ra từ hồi hữu cơ được cơ quan chức năng đanh giá là có chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người sử dụng giúp giá trị sản phẩm hồi tăng cao.
Ông Linh Văn Quyền, thôn Tây B, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đang chăm sóc 5 ha cây hồi từ 3 đến 30 năm tuổi. Từ khi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện tuyên truyền, hướng dẫn, hằng năm tôi đều phát dọn, cắt tỉa cành, chú trọng phòng bệnh cũng như bổ sung dinh dưỡng cho cây hồi. Nhờ đó, vườn hồi ít bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng được tăng lên, giá thu mua cũng cao và ổn định hơn. Hiện mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng từ cây hồi.
Vươn ra thế giới
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thiết lập được 2 chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi với quy mô trên 1.000 ha tại huyện Chi Lăng và huyện Tràng Định. Đơn vị liên kết là Công ty TNHH Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex), Công ty TNHH chế biến và XNK lâm sản Lạng Sơn (Aforex); Công ty Chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn. Các công ty này thu mua trên 3.000 tấn hồi tươi/năm để chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác nước ngoài, các công ty còn quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại quốc tế như: Alibaba, Amazon… Cùng đó, toàn tỉnh phát triển được 3 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ hồi. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã có một số doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trong đó đầu tư xây dựng nhà máy chế biến… Việc hình thành chuỗi liên kết bước đầu đã góp phần nâng cao giá trị, ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường về hàng hóa, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và hướng đến xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững.
Bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH chế biến và XNK lâm sản Lạng Sơn (Aforex), xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng cho biết: Mỗi năm công ty thu mua hơn 1.000 tấn hồi tươi của nông dân trên địa bàn tỉnh để chế biến và xuất khẩu sang các nước trên thế giới như Ấn Độ, Dubai, Anh… Trong đó, khoảng 80% là xuất sang thị trường Ấn Độ. Đối với những thị trường khác, công ty đã đẩy mạnh quảng bá như đưa các sản phẩm tinh dầu hồi, gia vị hữu cơ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nước rửa bát, xà phòng quế hồi… vào các siêu thị tại một số nước trên thế giới. Để có được nguồn nguyên liệu chất lượng cao, chúng tôi đã đặt hàng người dân chú trọng khâu canh tác, thu hái và tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với 700 ha hồi trên địa bàn tỉnh.
Nhờ áp dụng các giải pháp về thủ tục pháp lý, nâng cao năng suất, chất lượng mà sản phẩm hồi của tỉnh Lạng Sơn đã đáp ứng được những quy định khắt khe của các thị trường khó tính với hàng trăm quy định từ quy trình canh tác, thu hái đến chế biến, bảo quản. Từ đây, sản phẩm hồi không còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc mà vươn ra khắp thế giới, điều này giúp ổn định đầu ra, nâng cao giá thành sản phẩm. Từ năm 2020 đến nay, giá hồi tươi tăng mạnh, dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, giá hồi khô đạt 100.000 – 150.000 đồng/kg; giá trị ước đạt 1.700 tỷ đồng/năm. Hiện sản phẩm hồi của Lạng Sơn đã có mặt tại nhiều nước như: Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Đức…
Theo Báo Lạng Sơn
Liên kết website
Ý kiến ()