Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:45 (GMT +7)
Họa sĩ Đặng Đình Nguyễn: "Từ nhỏ, tôi đã ao ước được vẽ tranh về Bác Hồ…"
Chủ nhật, 17/05/2020 | 13:58:13 [GMT +7] A A
Sinh ra và lớn lên ở “làng tranh Yên Hưng”, họa sĩ Đặng Đình Nguyễn (64 tuổi) đã nuôi dưỡng niềm đam mê và năng khiếu hội họa của bản thân ngay từ khi còn là cậu học sinh ngồi trên ghế nhà trường. Ông vẽ nhiều, cả ở dòng tranh giá vẽ cũng như tranh cổ động và thể hiện nét tài hoa khi khai thác đa dạng các đề tài, chất liệu khác nhau, từ lụa, bột màu, sơn dầu… Trong đó, dòng tranh vẽ chủ đề về Bác Hồ chiếm vị trí quan trọng trong các sáng tác của ông.
Họa sĩ Đặng Đình Nguyễn. |
Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Đặng Đình Nguyễn xung quanh những sáng tác của ông về Bác Hồ.
- Ông còn nhớ bức tranh đầu tiên ông vẽ Bác Hồ không? Quá trình vẽ về Bác chắc hẳn ông có nhiều câu chuyện để chia sẻ với bạn đọc?
+ Lúc còn nhỏ (khoảng 4, 5 tuổi) được xem ông cậu vẽ, tôi say sưa ngồi ngắm và ao ước sao vẽ được như cậu. Mỗi lần như thế, tôi về nhà hí hoáy tập vẽ có khi quên cả ăn, cả ngủ. Rồi đến khi biết đọc, biết viết và thông qua những câu chuyện về Bác, tôi ao ước được vẽ tranh về Người.
Bức đầu tiên tôi vẽ về Bác là vào năm 1966 khi tôi 12 tuổi, vẽ trên giấy vở học sinh qua con tem có hình Bác. Bức vẽ ấy được bạn bè yêu thích và “khoe” với các chú bộ đội pháo phòng không đóng quân ở cạnh làng. Được họ động viên, tôi đã tặng bức tranh ấy cho đơn vị bộ đội và được các chú bộ đội thưởng cho một hộp màu vẽ, khiến tôi rất đỗi vui mừng.
Học hết cấp ba, vì ham vẽ, tôi đã xin vào lớp vẽ của Liên hiệp Công đoàn tỉnh và Hội VHNT Quảng Ninh tổ chức (1973 - 1975). Vì không phải là “đối tượng” tuyển của lớp, tôi năn nỉ xin thầy cho “học ké” rồi kiên trì theo hết khóa học. Cuối khóa học, vào dịp Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, thầy giáo tôi bấy giờ là họa sĩ Hoàng Công Luận đã giao cho tôi vẽ chân dung Bác Hồ cỡ lớn, do tòa soạn Báo Quảng Ninh “đặt hàng” với lớp vẽ. Tôi đã hoàn thành công việc và rất mừng được thầy cùng anh em lớp học khen ngợi, động viên.
Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng - Tranh lụa của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn. |
Cũng vào dịp ấy, tôi còn nhớ đến tác phẩm tranh cổ động đầu tay, đó là tác phẩm “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!” vẽ Bác Hồ với ba cháu thiếu niên đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam tay cầm tay vui múa hát vây quanh Bác. Bức tranh của tôi đã được chọn tham gia Triển lãm tranh cổ động “Chào mừng giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước” năm 1975, đã tạo dấu ấn khởi đầu về sáng tác tranh cổ động sau này của tôi.
Năm 1976, tôi về làm việc tại Phòng VH - TT huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên – PV), tôi được phân công ngay vào việc vẽ tranh cổ động và chân dung Bác Hồ khổ lớn để phục vụ công tác tuyên truyền trong dịp chào mừng quốc khánh.
Cũng vào năm ấy (1976) về thăm Công trường lấn biển Sông Khoai (Yên Hưng), khi nhìn thấy bức tranh sơn dầu Hồ Chủ Tịch tại phòng khách Huyện uỷ Yên Hưng mà tôi mới vẽ xong, đồng chí Tố Hữu (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ) đã nhận xét: “Tôi có vinh dự được nhiều thời gian gần Bác, xem nhiều bức vẽ về Bác, nhưng bức này tôi thấy xúc động… vì rất giống Người”.
Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh - Tranh lụa của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn. |
“Tiếng lành đồn xa” có lẽ vậy mà một số cơ quan, đơn vị, xí nghiệp và các xã trên địa bàn đã tìm đến tôi “đặt hàng” vẽ tranh về Bác rồi mọi người hay gọi vui với tôi là “Hoạ sĩ vẽ tranh Bác Hồ”...
Đến nay, tôi đã có 8 tác phẩm vẽ về Bác, hiện tôi đang hoàn thành tác phẩm tiếp theo là bức “Bác Hồ dừng chân bên rừng thông Yên Lập Yên Hưng (thị xã Quảng Yên nay)”. Trong đó, tôi tâm đắc là bức “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh” - tác phẩm đã mang lại cho tôi thành công ban đầu và cũng là tác phẩm mà tôi đầu tư nhiều công sức cho đến thời điểm này.
- Có nhiều hoạ sĩ từng vẽ về Bác Hồ, với ông, vẽ Người dễ hay khó, vì sao?
+ Theo tôi, vẽ về Bác quả là không dễ! Nhiều anh em đồng nghiệp cũng đã thường đắn đo, chia sẻ: “Rất khó, bởi những tác phẩm sáng tác về đề tài về Bác thường “rất kén” người xem, vẽ xong mà cứ “đóng gói để đấy” thì khó mà có nguồn “tái đầu tư” để vẽ tiếp.
Đó còn là trăn trở, thử thách vì đề tài này không dễ thành công, và cũng khó “qua mặt” được những họa sĩ “gạo cội” đã thành danh lâu nay trong cả nước. Ngay cả khi vẽ để “giống” một ai đó cũng không phải dễ mà ai cũng vẽ được, nhất lại là vẽ về Bác khi mà mọi người ai ai cũng đã quen thuộc.
Bác Hồ với nông dân - Tranh lụa của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn. |
Cái khó nữa là hầu hết các tác giả không mấy người may mắn được gặp Bác nên khi vẽ Bác phải thông qua ảnh chụp, rất “dễ lộ” nếu “không giống”, nhất là cần thể hiện được thần thái, tâm hồn cao đẹp, anh minh của vị lãnh tụ kính yêu đã ăn sâu trong tâm khảm bao người. Nhưng những trăn trở ấy không làm tôi nản lòng. Tôi vẫn tiếp tục vẽ về Bác với niềm đam mê, yêu thích của mình…
- Đa năng cả ở dòng tranh giá vẽ lẫn tranh cổ động, tài hoa ở nhiều chất liệu sáng tác khác nhau. Vậy khi vẽ Bác, ông hay sử dụng dạng tranh cũng như chất liệu nào hơn cả? Vì sao?
+ Vâng, tôi vẽ khá nhiều chất liệu nhưng với lụa tôi thấy mình “có duyên” và thấy nó phù hợp với “cái gu” và “dạng tranh” hiện thực gợi tả của mình hơn. Lụa là chất liệu truyền thống, nó mang đến cho người xem cái đẹp của sự mềm mại, dịu dàng và tinh tế, sang trọng mà lại giản dị, gần gũi, nhất là về các đề tài nông thôn, lịch sử, chân dung…
Vẽ về Bác qua tranh lụa mang lại sự gần gũi, lại diễn đạt được sự huyền ảo mà dung dị về vẻ đẹp của vị lãnh tụ. Có lẽ vì vậy mà tôi đã chọn và sử dụng lụa nhiều trong các sáng tác, trong đó sử dụng với hầu hết các tác phẩm vẽ về Bác bằng chất liệu này.
Họa sĩ Đặng Đình Nguyễn hiện đang hoàn thiện bức tranh thứ 9 vẽ về Bác. |
- Vẽ đa dạng đề tài, đề tài Bác Hồ có vị trí như thế nào trong các sáng tác của ông?
+ Đề tài về Bác có vị trí đặc biệt trong tôi, trước hết là do sự yêu thích, đam mê. Vẽ về Bác cũng đã mang đến cho tôi những thành công bước đầu, góp phần thôi thúc và tạo nguồn cảm hứng để tôi tiếp tục sáng tác sau này.
- Ông được đánh giá là một trong số những họa sĩ Quảng Ninh có nhiều thành công khi vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với riêng ông, ông cảm nhận thế nào về những tác phẩm vẽ Bác của mình.
+ Tôi nghĩ, thành công của tôi cũng chỉ là bước đầu. Tôi nhận thấy mình chỉ là tác giả “đi sau” và sau thành công của các lớp họa sĩ đàn anh đi trước mà tôi ngưỡng mộ, như: Nguyễn Hoàng, Kiều Sĩ Khuê, Vũ Tư Khang… Tôi hy vọng, đây cũng là đề tài thử sức và là nguồn cảm hứng cho các họa sĩ trẻ có nhiều triển vọng sẽ tiếp tục khai thác.
Theo tôi, muốn vẽ về Bác tốt được thì cần phải học và rèn luyện nhiều, tìm hiểu nhiều, đọc nhiều và cần phải thấm nhuần tấm gương tư tưởng, đạo đức của Người. Tôi thiết nghĩ, không riêng gì vẽ về Bác mà đề tài nào cũng cần đến sự khổ công rèn luyện, có sự đầu tư chuyên sâu và phải “dấn thân” thì mới thành công.
- Xin cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện!
Các sáng tác về Bác Hồ của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn có nhiều tác phẩm xuất sắc, đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi. Cụ thể: Bức tranh lụa “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng” đoạt giải C và tác phẩm “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” đoạt giải C (không có giải A) tại Cuộc vận động sáng tác quảng bá tác phẩm VHNT và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Quảng Ninh lần lượt vào các năm 2009 và 2010. Trong đó, tác phẩm “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng” được treo tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực đồng bằng sông Hồng và được chọn vào Triển lãm Mỹ thuật với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và "Chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, đều vào năm 2009. Hai bức tranh lụa “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh” và “Bác Hồ với nông dân” lần lượt được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010 và 2015. Trong đó, bức “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh” được tác giả vẽ lại và có chỉnh sửa vào năm 2013, đã đoạt Giải Khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh toàn quốc tại Lễ hội Làng Sen năm 2015 về đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhân Kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người. |
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()