Tất cả chuyên mục

Là hoạ sĩ có 2 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và đã được phổ biến rộng rãi hoạ sĩ Đặng Đình Nguyễn chia sẻ về cái khó nhất trong vẽ tranh cổ động như sau:
+ Tranh cổ động xuất hiện từ lâu rồi. Con đường đã có nhiều người đi thì sẽ thành lối mòn dễ tạo ra sự trùng lặp. Vậy nên tôi nghĩ cái khó nhất của tranh cổ động chính là làm sao tránh được lối mòn, vẽ mà không có sự đầu tư suy nghĩ, vẽ cứ na ná của người khác...
- Cái sự lặp lại ấy có phải chủ yếu xuất phát từ việc hỗ trợ của máy móc phương tiện khiến người ta dễ chắp ghép?
+ Đúng là có hiện tượng đó. Nhưng đã là người vẽ “có nghề” thì không bao giờ chấp nhận sự chắp ghép. Họ sẽ vẽ ra giấy trước sau đó scan lại rồi đưa lên máy đổ màu và hoàn thiện tiếp. Như thế, dấu ấn cá nhân của tác giả vẫn được hiện rõ trong từng dấu bút. Bây giờ, máy móc hỗ trợ cho ta rất nhiều tiện ích, hoạ sĩ cần phải tận dụng điều đó. Nếu cứ ngồi mà kẻ những dòng chữ khẩu hiệu như trước thì sẽ mất rất nhiều thời gian, giờ đây có phần mềm hỗ trợ đánh chữ trực tiếp vào tranh rất tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên khai thác, tận dụng máy móc đến mức lệ thuộc thì sẽ đánh mất cái tôi… Mà như anh cũng đã biết, trong nghệ thuật thì dấu ấn cá nhân là cái quyết định cho giá trị của tác phẩm...
- Vậy phải làm thế nào để thoát khỏi lối mòn, thưa ông?
+ Trước tiên, theo tôi, phải am hiểu thật sâu sắc về thể loại đó. Tranh cổ động là loại hình đồ hoạ, trước hết phải cô đọng, đơn giản, nói cái gì thì phải nói ngay, nói rõ, phải tác động trực tiếp giúp người ta dù chỉ nhìn thoảng qua trong lúc đi đường cũng hiểu ngay bức tranh nói gì và cảm nhận rõ cái khí thế và thông điệp của sự kiện mà tác phẩm mang lại. Đừng sa vào vụn vặt, rườm rà, khó hiểu. Bản chất của nghệ thuật là vậy, càng cao siêu bao nhiêu thì càng cần sự giản dị, hợp lý bấy nhiêu. Chẳng hạn như vẽ tranh cổ động về Đại hội Đảng thì vẫn là sĩ, nông, công, binh, vẫn là cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng nữa, nhưng hoạ sĩ phải biết thổi vào đó hơi thở mới của thời đại, của cuộc sống trong một văn cảnh mới. Cái mới đưa vào tranh lại phải hài hoà với bố cục chung. Và quan trọng nhất là tác phẩm của anh phải đưa đến thông điệp gì cho người xem và được đón nhận một cách hấp dẫn hay không...
- Chính cái khó của dòng tranh này dẫn đến ít người theo đuổi đến cùng. Ông có nghĩ như vậy không?
+ Đúng thế. Ở Quảng Ninh hiện nay, lực lượng vẽ tranh cổ động hiện còn rất mỏng. Những hoạ sĩ có tiếng về loại hình này nay đã lớn tuổi, họ hạn chế về sử dụng phần mềm vi tính đồ hoạ nên ngại tham gia. Lớp tác giả trẻ giỏi về công nghệ máy móc thì tiếc là còn nhiều hạn chế về nghề, ấy là chưa kể đến cả việc cần có một ban giám khảo của tỉnh thực sự có chuyên môn, có uy tín để định hướng cho sự phát triển của loại hình này. Vẽ dòng tranh này hiện khó có thể sống nổi với nghề khi mà nhuận bút còn rất khiêm tốn, giá trị giải thưởng thì không cao. Không gian hoạt động dành cho các tay bút về tranh cổ động thì quá ít, hiện chủ yếu chỉ bám vào các sự kiện, mà với cấp tỉnh thì việc tổ chức các cuộc thi còn quá ít nên các tác giả về loại hình này hiếm có cơ hội để tham gia. Vì vậy khi họ tham gia mà chạy theo sự kiện lớn thì nhiều người bị tụt hậu, không đáp ứng về mặt chất lượng, không theo kịp so với mặt bằng chung. Tỉnh ta muốn có được một lực lượng vẽ tranh cổ động xứng tầm đối với cả nước thì theo tôi, Trung tâm Văn hoá Thông tin và Hội VHNT của tỉnh cần tạo ra được “sân chơi” qua việc tổ chức, thành lập CLB các tác giả vẽ tranh cổ động để anh em hoạ sĩ được trau dồi, học hỏi. Ngoài các sự kiện chính trị lớn, các tổ chức, ban, ngành của tỉnh cũng nên có kế hoạch phát động về công tác tuyên truyền, truyền thông, trong đó cần chú trọng đến đặc trưng nổi bật của tranh cổ động là tính thời sự; từ đó tạo điều kiện cho anh em hoạ sĩ có cơ hội tham gia, mang lại hiệu quả xứng tầm với việc tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay...
- Cảm ơn hoạ sĩ về cuộc trò chuyện thú vị này!
Phạm Học (Thực hiện)
![]() |
Ý kiến ()