Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 18:27 (GMT +7)
Hoạ sĩ Nguyễn Thị Thiền: "Lấy hội hoạ để cân bằng cuộc sống..."
Chủ nhật, 17/08/2014 | 14:47:54 [GMT +7] A A
Trong giới hội hoạ Quảng Ninh hiện nay, Nguyễn Thị Thiền là một trong số rất ít nữ hoạ sĩ. Từng thể nghiệm ở nhiều chất liệu, chị dừng lại và khẳng định mình ở tranh lụa. Tranh lụa của Nguyễn Thị Thiền có cái nhìn giản dị, mộc mạc, gần gũi nhưng vẫn mang tính cách điệu cao và giàu biểu cảm...
Tôi hỏi Nguyễn Thị Thiền vì sao lại chọn tranh lụa, chị tâm sự:
+ Tôi sáng tác bằng các chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ. Nhưng có thể nói, sở trường và thành công nhất trong sáng tác của tôi là tranh lụa. Dường như cái êm đềm của tranh lụa đã đem lại cho tôi cảm giác thăng bằng trong cuộc sống, đó là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác. “Nhuộm” vào lụa từng triền núi, dáng người, từng mảng màu của biển cả v.v.. lớp lớp sắc màu kỳ ảo khiến cho tôi thấy lòng mình thật thanh thản…
- Nói như vậy phải chăng là tranh lụa hợp với tính cách chị?
+ Có lẽ thế. Tôi đi sâu vào tranh lụa phần nào cũng vì nó đầy nữ tính. Lụa là chất liệu truyền thống của phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Lụa có bản sắc riêng, dung dị, nhẹ nhàng, lung linh huyền ảo, gợi cảm, đầy mê hoặc. Thêm nữa, vẽ lụa đòi hỏi phải bố cục kỹ, cầu kỳ mà phụ nữ chúng tôi thì thường tỉ mỉ hơn cánh mày râu rồi. Với lại, tôi rất thích chất liệu lụa bởi nó là điệu hồn dân tộc. Mình vẽ tranh lụa với niềm tự hào nữa…
- Khi vẽ tranh lụa chị đã làm gì để không lặp lại bước chân người đi trước?
+ Trong sáng tác tôi vẫn vẽ tranh lụa theo lối truyền thống. Lụa kiệm màu nhưng vẫn tạo nên sự phong phú của sắc. Vẽ lụa truyền thống mềm mại, êm ả hư hư thực thực. Gần đây tôi khám phá rộng hơn ngôn ngữ biểu hiện của chất liệu lụa. Tôi kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, gam màu trong tranh lụa của tôi rực rỡ hơn, tương phản mạnh hơn, đường nét và bố cục mạnh mẽ hơn nhưng vẫn đằm thắm, tinh tế…
Hoạ sĩ Nguyễn Thị Thiền sinh năm 1970 tại Gia Lộc, Hải Dương, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Mỹ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2008, hiện là Phó Trưởng khoa Hội hoạ - Sư phạm Mỹ thuật, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long - Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2008. Chị đã nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật của Hội VHNT tỉnh, giải thưởng Văn nghệ Hạ Long, giải thưởng của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tranh của chị được treo tại nhiều triển lãm của tỉnh, khu vực và toàn quốc, như: Tác phẩm “Tổ thêu” được chọn vào Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005, tác phẩm “Dung Quất nhịp sống mới” trong Triển lãm tranh lụa toàn quốc năm 2007, tác phẩm “Sắc màu cuộc sống” trong Triển lãm toàn quốc 2010... |
- Chị đã làm gì để cân bằng “những mảng màu tương phản” trong nghệ thuật và cuộc sống?
+ Hiện nay tôi là Phó Trưởng khoa Hội hoạ - Sư phạm Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long và là giảng viên Mỹ thuật. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là đào tạo nguồn tài năng năng khiếu đặc thù về hội hoạ, tôi luôn yêu nghề và tâm huyết với nghề. Quảng Ninh được biết đến với phong trào mỹ thuật Vùng mỏ do các thế hệ hoạ sĩ đi trước gây dựng. Chúng tôi là những hoạ sĩ trẻ kế cận, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống ấy.
Ngoài thời gian công tác giảng dạy trên trường, ở nhà tôi cũng bồi dưỡng cho các em nhỏ yêu thích bộ môn Mỹ thuật, thổi vào các em ngọn lửa của nghệ thuật. Tôi mong muốn tất cả các em sau này sẽ là những tài năng nghệ thuật bước tiếp truyền thống cha ông, đưa nghệ thuật Quảng Ninh phát triển và đạt được những thành tựu cao. Và cũng từ công việc đó, tôi cũng có thêm nguồn thu nhập để nuôi nghệ thuật. Rồi lại lấy nghệ thuật để cân bằng cuộc sống. Phụ nữ làm nghệ thuật cũng vất vả nhưng thật vui, hạnh phúc…
- Là người tham gia công tác giảng dạy, chị đánh giá như thế nào về các hoạ sĩ trẻ Quảng Ninh hiện nay?
+ Như anh đã biết, Trường Cao đẳng Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long là cái nôi đào tạo nguồn hoạ sĩ cho tỉnh và khu vực. Trong công tác giảng dạy, chúng tôi đã đào tạo được nhiều trò giỏi có nhiều tác phẩm đạt giải trong các cuộc thi tài năng trẻ của sinh viên các trường VHNT trong toàn quốc. Như vậy có thể đánh giá, đa phần lớp trẻ đều được đào tạo bài bản, đều có cái nền rất tốt về hội hoạ. Nhưng họ còn mải mê lo toan làm ăn kinh tế. Đầu ra công việc cho sinh viên hội hoạ lại cũng rất hẹp. Cũng vì lý do ấy mà nhiều người không giữ được ngọn lửa say nghề, yêu nghề. Tôi mong muốn có một sân chơi nghệ thuật dành cho các hoạ sĩ trẻ (như thành lập CLB hoạ sĩ trẻ Quảng Ninh chẳng hạn) để các hoạ sĩ trẻ được giao lưu, học hỏi, trao đổi về nghệ thuật. Đấy cũng chính là điều trăn trở mà thế hệ trẻ chúng tôi chưa thực hiện được…
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()