Tất cả chuyên mục

Sinh 1956, quê xã Liên Hoà, TX Quảng Yên, họa sĩ Đặng Đình Nguyễn phải chịu thiệt thòi vì chân bị tật từ khi còn nhỏ. Bù lại, Nguyễn là một học sinh có chí, học giỏi, chăm ngoan. Từ những năm học cấp I, Đặng Đình Nguyễn đã có “biệt tài” vẽ. Mới 10 tuổi, anh đã “truyền thần” giống y thật cho bà con địa phương.
![]() |
Sau này, anh đã rất thành công khi vẽ những bức tranh chân dung Bác Hồ khổ lớn. Năm 1976, về thăm Công trường Lấn biển Sông Khoai, khi nhìn thấy bức tranh sơn dầu Hồ Chủ Tịch tại phòng khách Huyện uỷ Yên Hưng do Đặng Đình Nguyễn mới vẽ, nhà thơ Tố Hữu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ, đã khen ngợi: “Tôi có vinh dự được nhiều thời gian gần Bác, xem nhiều bức vẽ về Bác, nhưng bức này tôi thấy xúc động… vì rất giống Người ”. Cũng từ đấy Đặng Đình Nguyễn vang tiếng là “hoạ sĩ vẽ tranh Bác Hồ”.
Từ những kết quả đó, năm 1981, anh được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Ninh. Đặng Đình Nguyễn say sưa sáng tác, có nhiều tác phẩm xuất sắc tham gia triển lãm mỹ thuật các cấp. Tác phẩm “Hội vật” của anh đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1985 và đoạt Giải Văn Nghệ Hạ Long giai đoạn 1980 - 1986; nhiều tác phẩm khác của anh được khách trong, ngoài nước và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chọn mua. Tiếng tăm của họa sĩ lại càng vang xa. Năm 1993, từ các xã trong huyện, các em thanh, thiếu niên ham thích hội họa đã đến tìm “Hoạ sĩ vẽ Bác Hồ” để xin theo học. Ngoài việc sáng tác tranh, công việc mang lại thu nhập của anh lúc bấy giờ là chuyên phục chế ảnh, vẽ logo, quảng cáo, có lúc nhận đắp, vẽ, phục chế các công trình trang trí đình, chùa, miếu cổ. Khi nhận các em đến học, họa sĩ Đặng Đình Nguyễn đành phải tranh thủ làm các hợp đồng vào buổi tối để dành thời gian “đứng lớp”.
Để có những giờ “lên lớp” được tốt, anh phải tranh thủ thời gian tìm tòi, học hỏi qua tài liệu, báo chí và bạn bè, đồng nghiệp… để bổ sung vốn kiến thức. Anh thường tranh thủ mời các họa sĩ đàn anh trong tỉnh cùng tham gia, góp ý, động viên và khích lệ các em trong học tập và hoạt động mỹ thuật. Kể từ năm 1993, “Mái nhà hoạ sĩ” đã đón gần 300 lượt thanh, thiếu niên, nhi đồng có năng khiếu theo học. Không những các em trong huyện mà cả những huyện xa như Vân Đồn, Cẩm Phả… với nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau cũng tìm đến.
Từ nhu cầu đam mê hội họa của học sinh, năm 1995, Nguyễn đứng ra thành lập và làm Chủ nhiệm “CLB Hội họa trẻ Hà Nam”, sau là “CLB Hội họa trẻ Yên Hưng”. Qua 25 năm hoạt động, CLB đã trở thành “vườn ươm nghệ thuật” và “sân chơi văn hoá” lành mạnh của các hoạ sĩ trẻ… Từ 8 hội viên, CLB Hội họa trẻ nay đã có 22 hội viên và hàng chục cộng tác viên khác ở các địa phương trong huyện; đã có 8 hội viên được kết nạp Hội VHNT Quảng Yên, 6 hội viên được kết nạp Hội VHNT Quảng Ninh.
![]() |
Tác phẩm “Bác Hồ với các dân tộc Quảng Ninh” của Đặng Đình Nguyễn. |
Năm 2008, Nguyễn có tác phẩm tranh lụa “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng” được đồng nghiệp đánh giá cao. Năm 2009, tác phẩm này được Ban Chỉ đạo cuộc thi “Quảng bá tác phẩm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Quảng Ninh tặng Giải C. Trước đó, anh đoạt giải Nhất tranh cổ động toàn quốc với tác phẩm “Chào mừng 60 năm Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”. Tác phẩm “Bác Hồ với nông dân” của anh là một trong 4 tác phẩm của hội họa Quảng Ninh được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2010-2015.
![]() |
Nói về đề tài này, họa sĩ Đặng Đình Nguyễn cho biết: “Để vẽ Bác Hồ thật giống, thật có hồn, tôi đã nghe, đọc và tìm hiểu nhiều tư liệu về Bác. Qua đó thấm nhuần tấm gương đạo đức của Người - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, theo tôi không phải nói để cho hay, mà hãy bằng việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày, trong mọi lúc, mọi nơi cho tốt!”.
Hơn cả những bằng khen, giải thưởng, huy chương mà anh đã được trao tặng là sự quý mến, tin yêu, niềm vinh dự tự hào của người dân trong vùng và những lớp học trò họa sĩ trẻ dành cho “Hoạ sĩ vẽ tranh Bác Hồ”.
Dương Phượng Toại (CTV)
Ý kiến ()