Tất cả chuyên mục

Vũ Tư Khang là hoạ sĩ có nhiều tranh vẽ về Bác Hồ với lòng thành kính sâu sắc. Nhiều tác phẩm của ông đã đoạt giải cao, được triển lãm toàn quốc, như: “Bác Hồ với các cháu thiếu nhi”, “Bác Hồ với công nhân mỏ Quảng Ninh”, “Tạc tượng Bác Hồ” v.v..
![]() |
Hoạ sĩ Vũ Tư Khang đang hoàn thiện bức tranh Bác Hồ bắt nhịp cho dàn đồng ca.(*) Lời ca khúc “Tổ quốc nhìn từ biển” của tác giả Quỳnh Hợp. |
Trò chuyện với tôi khi đang hoàn thiện bức vẽ mới nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạ sĩ Vũ Tư Khang bộc bạch:
+ Tôi bắt đầu vẽ về Bác từ rất sớm, khi còn trong quân ngũ. Đó là các bức: “Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng” năm 1968; “Bác Hồ với bộ đội quân khu IV”, vẽ năm 1971… Lúc đấy, những bức vẽ của tôi chủ yếu là vẽ minh hoạ cho các báo. Có lẽ cũng vì thế mà sau này, tôi thường đi vào những đề tài có tính chất “mũi nhọn” của đời sống, những vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Vẽ tranh về lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng là cách hướng sáng tác của mình vào đời sống hiện thực đang sôi động, hướng vào tâm tư, tình cảm chung của cả dân tộc. Tính đến thời điểm này, tôi đã có khoảng hai chục bức vẽ về Bác…
- Vẽ tranh về Bác, theo ông cái khó nhất là gì, thưa ông?
+ Vẽ Bác quả thực là không dễ chút nào! Bởi trên thế giới không có một vị lãnh tụ nào lại được thơ ca, nhạc, hoạ đề cập nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy nên nếu không khéo, dễ lặp lại của người khác đi trước mình lắm. Và một cái khó nữa, Bác rất giản dị, rất đời thường, nhưng lại rất vĩ đại… Làm sao để toát lên được điều đó là cả một vấn đề. Chưa nói tới chuyện, vẽ nhiều về một đề tài không khéo sẽ lặp lại chính mình, bức nào cũng cứ na ná nhau…
- Và ông đã làm gì để tạo ra sự khác biệt ấy, thưa hoạ sĩ?
+ Với tôi, vẽ Bác Hồ còn khó hơn khi tôi không có may mắn được một lần gặp Người. Vậy nên, tôi phải đọc nhiều sách báo nói về Bác, xem phim, xem tranh ảnh về Bác. Và tôi cứ hình dung như người ta vẫn nói, Bác Hồ có cốt cách của một ông Tiên. Nhưng nhiều lúc, tôi hay mường tượng hình ảnh Bác gần gũi như ông nội của mình… Cứ hình dung như vậy, khi cảm xúc đến là tôi cầm cọ phác thảo hình hài ban đầu của bức vẽ ngay lập tức. Khi vẽ, tôi chọn những lối bố cục khác nhau để tranh không lặp lại. Nhưng hình tượng Bác thì luôn luôn không đổi ở chỗ từ dáng đứng, ánh mắt, nụ cười, vầng trán đều thể hiện vẻ thanh cao, gần gũi và giản dị. Những cái khác là bố cục, đường nét, màu sắc, cảnh và người xung quanh Bác. Nhưng vẽ gì thì vẽ, tưởng tượng hư cấu thế nào về bối cảnh đi chăng nữa, thì vẫn phải tập trung làm tôn lên vẻ đẹp hình tượng Bác Hồ. Riêng về chất liệu, tôi hay lựa chọn tranh khắc gỗ trên giấy dó và sơn khắc…
- Theo tôi được biết, tranh khắc gỗ hay sơn khắc thường rất tốn công, lại có chi phí cao, bán chưa hẳn đã được giá. Tại sao ông vẫn thường chọn chất liệu này?
+ Đúng là như thế. Những chất liệu đó đòi hỏi sự công phu, chịu đầu tư. Nhưng bù lại nó có độ bền cao. Với đề tài hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nghĩ nên chọn những chất liệu bền vững như thế để thể hiện sự ngưỡng vọng, thành kính với lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Tất nhiên, khi vẽ tranh về đề tài Bác Hồ, không riêng tôi mà nhiều hoạ sĩ khác nữa cũng vậy, đều không phải để mưu cầu bán tranh làm giàu…
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (thực hiện)
Ý kiến (0)