Tất cả chuyên mục

Trong xưởng vẽ tranh bừa bộn ở số 92, Trần Khánh Dư, TX Quảng Yên, họa sĩ Vũ Tư Khang say mê nói với tôi về dòng tranh sơn khắc.
Nhấp một ngụm trà, họa sĩ Vũ Tư Khang trầm tư khá lâu để ôn lại sự nghiệp nghệ thuật của mình… Cái duyên đến với hội họa của ông có từ khi còn là đứa trẻ theo thuyền của gia đình mưu sinh bán đá đắp giả sơn cho những hộ khá giả. Ngày đó, nhìn nhiều hòn đá đẹp lắm, với dáng như hình con khỉ, đầu rìu, đầu trâu, cậu bé Tư Khang thường vẽ lại, được mọi người trầm trồ khen “đẹp hơn thật”.
Làng quê Hà Nam của Vũ Tư Khang có phong cảnh độc đáo với những nét đẹp hòa trộn như bức tranh đa sắc trong tâm trí ông. Những miếu Tiên công, đình làng, mái đao, đầu đục, con bẩy của một số công trình kiến trúc, nhà thờ họ cũng in đậm trong ký ức của ông, từ khi tóc để “trái đào”. Ông sinh trưởng trên vùng quê cổ tích, xã Cẩm La, đảo Hà Nam. Chuyện kể rằng vào năm 1434 triều Lê Thái Tông, 17 vị tiên công từ Kinh đô đến đây lập nghiệp. Trong lúc quai đê lấn biển, tôn ấp lập làng, họ thấy chiếc bút lông trôi dạt ở gốc sú nên mang về thờ. Nhờ vậy, các thế hệ hậu duệ của đảo phát tiết văn chương, nghệ thuật, trong đó có nhiều người vẽ tranh đẹp…
![]() |
“Hội bơi chải” - Tranh khắc gỗ của hoạ sĩ Vũ Tư Khang. |
Họa sĩ Vũ Tư Khang có những người thầy tên tuổi như: Hoàng Công Luận, Nguyễn Hiêm, Huỳnh Văn Thuận. Vũ Tư Khang đã học được những kinh nghiệm đầu đời về ý nghĩa, kỹ thuật sáng tác bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, sơn khắc… của các vị thầy đáng kính. Những lần thâm nhập thực tế cùng với các họa sĩ trẻ tuổi quê Quảng Ninh của thời đó, như: Phạm Phi Châu, Bùi Trọng Hướng, Bùi Đình Lan, Tống Giang Minh…, rồi được đào tạo mỹ thuật trong quá trình làm báo, vẽ tranh ở quân đội, từ 1968 đến 1973 ở chiến trường Quảng Trị đã giúp ông vững vàng hơn và trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1985.
Mảng tranh sơn khắc của Vũ Tư Khang là cái duyên trong nghề kể từ ngày ông làm báo ở chiến trường. Trong ấy, không có bản kẽm để in như ngoài Bắc, nên phải thay bằng gỗ. Vì thế Vũ Tư Khang thường cưa đẽo gỗ rừng, rồi bạt mặt khắc bản gỗ để in. Nhờ vậy, ông có cánh tay săn chắc mạnh mẽ và những đường đục sắc lẻm, tài hoa trên phiến gỗ.
Cả quá trình dày dặn đã giúp “cây cọ” Vũ Tư Khang sớm khẳng định, gặt hái nhiều giải thưởng lớn. Giới mỹ thuật biết rộng rãi đến những tác phẩm hội họa nổi tiếng của ông, như: “Bộ đội trên Trường Sơn” (khắc gỗ màu); “Đầm tôm”, “Kênh mương Yên Lập”, “Kiệu rồng”; “Hội miếu Tiên công”; “Chiến thắng Bạch Đằng”. Ông có nhiều tác phẩm hội họa tham gia triển lãm trong nước và nước ngoài, như ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Mỹ, Đức, An-giê-ri, Lào.
![]() |
"Lễ hội Tiên Công" - tranh sơn khắc của họa sĩ Vũ Tư Khang. |
Tranh của Vũ Tư Khang thể hiện chi tiết lễ hội, cuộc sống thường nhật, con thuyền, bến nước, bông lúa, cánh đồng… Những sáng tác ấy cũng đã trở thành bức tranh sinh động thể hiện tài năng của họa sĩ. Năm 2017, ông in tập “Tranh khắc Vũ Tư Khang” (NXB Mỹ thuật ấn hành) với tổng số 95 tác phẩm; gồm 46 tranh thể loại sơn khắc và 49 thể loại tranh khắc gỗ. Đây là công trình tổng kết khá lớn, thể hiện muôn mặt chủ đề chứng tỏ khiếu quan sát, tài năng của ông, như: Đám cưới làng chài; lễ hội Yên Tử; hội bơi làng Cốc; lễ tế đầu xuân; dân quân; quai đê lấn biển; cầu được mùa; gặp nhau trên cao nguyên đá; trả kinh Phật...
Trọng Khang (CTV)
[links()]
Ý kiến (0)