Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 02:20 (GMT +7)
Quảng Ninh Sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đa chiều
Thứ 7, 04/02/2023 | 10:45:00 [GMT +7] A A
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh không còn hộ nghèo, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Năm 2023 Quảng Ninh quyết tâm không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo; đồng thời xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Đồn Đạc là xã miền núi khó khăn của huyện Ba Chẽ. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm khoảng 70%. Được sự quan tâm trợ giúp của tỉnh và huyện, từ năm 2018 đến nay xã có hơn 100 hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, đến hết năm 2022 Đồn Đạc không còn hộ nghèo.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lưu Minh Thắng cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, hằng năm Đảng ủy xã đều ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo. Trong đó, phân công các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là các chi bộ thôn, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức về giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để thay thế những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập.
Năm 2018, được sự tuyên truyền, vận động của Chi bộ thôn Làng Cổng (xã Đồn Đạc), hộ ông Triệu Cắm Thành là một trong 40 hộ dân của xã viết đơn xin thoát nghèo. Với 7ha đất rừng trồng cây quế, trà hoa vàng, mía tím..., mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng, cuộc sống ngày một khấm khá.
Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2015 toàn tỉnh có 17 xã (gồm 154 thôn), 54 thôn thuộc các xã khu vực II nằm trong diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK); có 15.340 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,56%, 11.052 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,23%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK cao gấp 14 lần so với các xã khu vực I.
Trên cơ sở kế thừa tư duy, tầm nhìn, phương thức giảm nghèo những giai đoạn trước, với quan điểm “mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch giảm nghèo, tiêu biểu là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững dựa trên 3 đột phá chiến lược: Phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn; tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; xây dựng văn hóa giàu bản sắc dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn 2016-2022, tỉnh đã dành trên 2.400 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Mức hỗ trợ của tỉnh cao hơn 7 lần so với mức bình quân của trung ương. Riêng năm 2022, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, trong đó phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, được cấp thẻ BHYT, được miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập.
Chương trình giảm nghèo bền vững, đa chiều của tỉnh còn nhận được sự ủng hộ tích cực từ các doanh nghiệp, như: TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Vingroup... Nhờ huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, LLVT, tạo được sự đồng thuận và thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo, đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu đưa 17 xã và 54 thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân tại các xã, thôn ĐBKK đạt 32,62 triệu đồng/người/năm 2019, cao gấp 2,65 lần so với đầu năm 2016. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh không còn hộ nghèo, về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước.
Với kết quả này, Quảng Ninh đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là cơ sở vững chắc để Quảng Ninh hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()