Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 11:19 (GMT +7)
Hoàn thiện thể chế về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Thứ 6, 29/07/2022 | 12:13:03 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh chủ trương chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, công tác thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng được nhận thức rõ ràng hơn và được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Điều đó không ngừng được bổ sung và hoàn thiện trong các Nghị quyết, Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ. Gần đây nhất, ngày 2/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, cơ quan thi hành án dân sự triển khai thực hiện nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản.
Nhiều biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế
Có thể thấy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của quần chúng nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng nói riêng thời gian qua, nhất là từ sau năm 2013 đã có nhiều chuyển biến tích cực trong tất cả các giai đoạn, từ thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án dân sự, đạt được những kết quả quan trọng, tạo dấu ấn rõ nét trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Pháp luật nước ta đã có những quy định tương đối đầy đủ về các biện pháp, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế thông qua hai cơ chế chủ yếu, đó là, thu hồi tài sản theo quyết định hành chính của người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra khi có đủ căn cứ kết luận tiền bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật gây ra theo quy định của pháp luật thanh tra.
Cơ chế khác là thu tài sản liên quan tội phạm tham nhũng, kinh tế theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Đây là cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu hiện nay, được thực hiện thông qua cơ quan Thi hành án dân sự; phù hợp quy định của pháp luật tố tụng hình sự về trách nhiệm chứng minh tội phạm và yêu cầu về bảo đảm quyền con người mà Hiến pháp năm 2013 quy định.
Tuy nhiên, để đánh giá một cách tổng thể và toàn diện thì hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta hiện nay liên quan vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế chưa xử lý được trong một số trường hợp. Một là, trường hợp mặc dù có căn cứ khẳng định tiền, tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng nhưng chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội được do nhiều lý do khác nhau như: đối tượng phạm tội chết, mất tích hoặc bỏ trốn... thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, truy nã... Như vậy, sẽ chưa thể hoặc không thể thu hồi ngay được số tiền, tài sản này.
Hai là, liên quan vấn đề xác định nguồn gốc tài sản để thực hiện việc tịch thu, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, hệ thống pháp luật hiện hành quy định nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tiền, tài sản thuộc về cơ quan có thẩm quyền (cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra). Quy định này của hệ thống pháp luật dẫn đến thực tế hầu hết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế người phạm tội luôn tìm thủ đoạn chuyển các tài sản liên quan tội phạm thành tài sản khó hoặc không thể xác định được nguồn gốc do phạm tội mà có và do đó, việc thu hồi tiền, tài sản rất khó thực hiện được.
Ba là, Luật Phòng chống, tham nhũng chưa quy định các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện tài sản có dấu hiệu tham nhũng qua việc kiểm soát tiền, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và như vậy, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết để ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch hoặc hủy hoại tài sản.
Bốn là, xuất phát từ thực tiễn thói quen sử dụng và thanh toán tiền mặt, tội phạm tham nhũng kinh tế thường là những người am hiểu pháp luật, xảy ra trên nhiều lĩnh vực phức tạp... gây khó khăn cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án dân sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nhất là việc áp dụng các biện pháp truy tìm, chứng minh nguồn gốc tài sản; áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của cơ quan có thẩm quyền.
Giải pháp hoàn thiện
Chúng tôi cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Để phát hiện, ngăn chặn những hành vi trái quy định liên quan thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, cần thiết phải có các quy định cho phép theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở mọi thời điểm (kể cả việc tăng, giảm tài sản, thu nhập). Vấn đề nữa là nghiên cứu, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản thông qua việc khởi kiện dân sự. Để thực hiện được nội dung này, cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng: sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước trong việc khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại những tài sản thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nhưng bị hành vi tham nhũng xâm phạm; trong trường hợp cơ quan, tổ chức sở hữu tài sản nhà nước bị tham nhũng không khởi kiện vụ án, cho phép bên thứ ba khởi kiện vụ án dân sự đòi lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản này.
Cùng với việc hoàn thiện pháp luật trong nước, chúng ta cần tăng cường việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia trong việc phong tỏa, thu hồi tài sản của người phạm tội đã tẩu tán ở nước ngoài.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()