Tất cả chuyên mục

Tôi biết về ông từ những ngày tôi mới nhận công tác ở Văn phòng Hội VHNT tỉnh và ấn tượng về người hoạ sĩ này là vẻ hiền từ, thâm trầm, thoáng nét ưu tư... Nhớ chỉ cách đây hơn chục ngày, gặp ông ở Trụ sở Hội, hai chú cháu (tôi gọi ông là chú, xưng cháu) còn tay bắt mặt mừng rất vui vẻ. Tôi nói tôi muốn xin ông một tấm ảnh chân dung để viết bài giới thiệu trên báo... Ông cười, bảo ông thì có gì mà viết!!
Vậy mà ai ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông. Khi bài viết chưa hoàn thành thì nhận được tin ông đã ra đi vì tai nạn giao thông. Thế mới hay cuộc đời như nước chảy mây trôi... Và bài viết này của tôi như một nén tâm hương hướng về ông vậy.
![]() |
Hoàng Minh Giám sinh năm 1941, tại Kiến An - Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân cơ điện Hải Phòng, ông được Bộ Công nghiệp nặng điều về Quảng Ninh công tác tại Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả và gắn bó ở đó đến khi về hưu. Lúc còn công tác, nhờ năng khiếu và tình yêu với hội hoạ, với văn nghệ nên Hoàng Minh Giám được phân vào Ban Thi đua Tuyên truyền của Nhà máy, có điều kiện nhiều hơn để tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ; tuy vậy thời gian dành cho sáng tác vẫn không khỏi bị hạn chế. Chỉ từ năm 1993, sau khi về hưu, ông mới có điều kiện chuyên tâm hơn với “cây cọ” và thả sức sáng tạo những gì mình ấp ủ, nung nấu. Liên tục có tranh tham gia các triển lãm của tỉnh và khu vực, nhận được nhiều giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội VHNT tỉnh, Hoàng Minh Giám đã đặt từng bước chân vững chắc vào phong trào mỹ thuật của tỉnh và vươn ra phạm vi khu vực và cả nước.
Với sở trường là các chất liệu sơn dầu, bột màu, Hoàng Minh Giám hướng cảm xúc của mình đến những bức tranh sinh động về cuộc sống xung quanh như đề tài cơ khí mỏ, khung cảnh thiên nhiên, bức tranh đời sống lao động. Với quan điểm sáng tác không chạy theo các trường phái hiện đại (như trừu tượng, siêu thực, lập thể…) mà lấy tả thực làm bút pháp chính, những bức tranh của Hoàng Minh Giám là những câu chuyện chân thực về vẻ đẹp thiên nhiên, về không khí lao động nơi tầng mỏ hay trên nương rẫy, về cuộc sống bình dị của người lao động… Tất cả được tái hiện sinh động với những gam màu tươi sáng, đằm sâu chất trữ tình. Qua những người bạn của ông, được biết Hoàng Minh Giám là người hay đi, ông thường xuyên có mặt trong những chuyến đi thực tế do nhóm các hoạ sĩ Quảng Ninh tự tổ chức. Từ những địa danh trong tỉnh như Tiên Yên, Ba Chẽ, Móng Cái, Uông Bí… đến những chuyến lên vùng Tây Bắc, hay các chuyến đi Lào Cai, Sơn La, Điện Biên… ông đều có mặt cùng anh em, lặn lội trong mỗi chuyến đi và kịp thời tìm hiểu, ghi nhớ những đường nét, những sắc màu, những khung cảnh mà mình tâm đắc làm nguồn tư liệu để khi trở về tái hiện lại.
Như lời ông nói trong buổi gặp mặt sau cùng với tôi, những năm gần đây ông rất quan tâm đến đề tài dân tộc miền núi. Ông cảm thấy không thể kìm nguồn cảm xúc trước vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của phong cảnh thiên nhiên miền sơn cước, trước cuộc sống giản dị thanh bình của những con người đang sống hoà cùng thiên nhiên, trước vẻ đẹp từ màu sắc, trang phục đến những nét văn hoá truyền thống của bà con trên những rẻo cao… Hàng loạt các bức tranh về đề tài này của ông đã được công bố trong các cuộc triển lãm của tỉnh và khu vực như: Ba thế hệ, Đợi bạn, Phiên chợ Bắc Hà 1, Phiên chợ Bắc Hà 2, Phiên chợ Bắc Hà 3, Bạn gái... Nhận xét về những bức tranh đề tài miền núi của ông, hoạ sĩ Vũ Quý cho rằng: Hoàng Minh Giám đã tìm đến cách thể hiện chân thực, sống động những nét trong trẻo, hồn nhiên và tươi sáng - vốn được coi là đặc trưng của phong cảnh thiên nhiên khu vực miền núi và đời sống người dân tộc thiểu số.
Có lẽ Hoàng Minh Giám sẽ tiếp tục thành công với những bức vẽ còn đang ấp ủ về đề tài này, và sẽ lại tiếp tục rong ruổi trên các chuyến đi nếu như ông chưa phải ra đi về cõi vĩnh hằng vội vã thế. Dẫu vậy ông cũng đã sống thật nhiệt thành với niềm đam mê của mình, để khi ra đi rồi, niềm đam mê đó vẫn còn gửi lại trong những bức tranh ông đã vẽ…
Hiếu Ninh
Ý kiến ()