Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:58 (GMT +7)
Hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII: Những đóng góp thiết thực
Thứ 5, 31/05/2012 | 10:39:24 [GMT +7] A A
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Các ĐB Trần Văn Minh và Phạm Bình Minh cho rằng, việc gửi các dự án luật cho các Đoàn ĐBQH chưa đúng thời gian quy định, rất khó khăn cho các đoàn tổ chức nghiên cứu và lấy ý kiến tham gia. Đề nghị nâng thời gian gửi các tài liệu (trước 30 ngày). Có như vậy Đoàn ĐBQH các địa phương mới có thời gian tổ chức nghiên cứu và lấy ý kiến tham vấn các tổ chức, cơ quan, đặc biệt là các chuyên gia tham gia. Đề nghị nghiên cứu lập kênh thông tin trên Website của Quốc hội để lấy ý kiến tham gia rộng rãi của cử tri và nhân dân.
ĐB Trần Văn Minh còn đề nghị, cần sớm có cơ chế huy động được ý kiến tham gia của các chuyên gia vào các dự án luật, vì ý kiến của các chuyên gia rất hữu ích, rất sâu và họ có kiến thức, có chuyên môn về các vấn đề mà dự án luật đề cập đến.
ĐB Vũ Chí Thực đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu xem xét đối với những luật đã ban hành, nhưng trong quá trình thực thi có bất cập cần khẩn trương sửa đổi. Vì nếu được sửa đổi kịp thời thì hiệu lực pháp luật được tăng lên, đồng thời cần quan tâm tăng kinh phí, phương tiện vật chất kỹ thuật để tạo điều kiện cho các đại biểu thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đại biểu Trần Văn Minh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Về tổ chức Đoàn giám sát của các Đoàn ĐBQH ở địa phương, theo ĐB Trần Văn Minh cũng bất cập, do thiếu đội ngũ chuyên gia cho các lĩnh vực giám sát, nên phải mời các sở, ban ngành, đơn vị liên quan cùng thực hiện, điều đó sẽ không thực sự khách quan trong đánh giá. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả của hoạt động giám sát, cần có cơ chế huy động đội ngũ các chuyên gia độc lập. Các phiên họp trực tuyến trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội là rất cần thiết, nhưng để đảm bảo chất lượng các phiên họp trực tuyến thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải đứng ra triệu tập cuộc họp, không để các Đoàn ĐBQH địa phương triệu tập, để đảm bảo hiệu lực pháp lý mạnh trong phiên họp trực tuyến. Bên cạnh đó cũng thông báo sớm kế hoạch họp trực tuyến tới các ĐBQH (đặc biệt các đại biểu kiêm nhiệm) để có kế hoạch, bố trí công việc tham gia họp trực tuyến đầy đủ.
Về tổ chức Văn phòng của các Đoàn ĐBQH, ĐB Trần Văn Minh cũng cho rằng cần tách riêng Văn phòng Đoàn ĐBQH ở các địa phương để hoạt động có tính chuyên sâu, gắn liền với Văn phòng Quốc hội, có như vậy hoạt động của Đoàn ĐBQH của các địa phương mới có hiệu quả. Quốc hội cần tăng cường việc thông tin các hoạt động của Quốc hội trên báo chí, truyền thông, tạo điều kiện hơn nữa cho phóng viên tác nghiệp, đưa tin về hoạt động của Quốc hội tại hội trường, vì báo chí, truyền thông là nhịp cầu nối giữa nhân dân, cử tri với ĐBQH.
Về vấn đề tiếp xúc cử tri, ĐB Phạm Bình Minh kiến nghị cần tăng cường các cuộc tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp Quốc hội nhất là đối với các ĐBQH chuyên trách, đồng thời nghiên cứu xem xét cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội. Bởi theo ĐB Phạm Bình Minh thì nội dung tiếp xúc là thông báo kết quả của kỳ họp, trong khi đó đài, báo và các phương tiện thông tin đã đưa tin và thông báo tương đối đầy đủ và kịp thời về nội dung, kết quả của kỳ họp Quốc hội.
Về Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, ĐB Ngô Thị Minh đề nghị tăng cường hơn nữa mối quan hệ trong công tác giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Đoàn ĐBQH ở các địa phương, giúp ĐBQH hoạt động hiệu quả tốt hơn. ĐBQH chuyên trách, tuy số lượng đã tăng, nhưng hiệu quả hoạt động chưa tăng nhiều, trong đó có nguyên nhân là không tổ chức các hội nghị ĐB chuyên trách, tạo cho ĐBQH chuyên trách có cơ hội phát biểu ý kiến, thể hiện quan điểm. Về hoạt động giám sát, ĐB Ngô Thị Minh kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành và giải trình trước Quốc hội về những hạn chế và biện pháp khắc phục đã được chỉ ra trong báo cáo giám sát.
Xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp với những bước đi thích hợp
Sáng 29-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Đa số các ĐB đồng ý với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật GĐTP. ĐB Thích Thanh Quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu về vấn đề xã hội hoá hoạt động GĐTP là cần thiết và hoàn toàn khả thi. Bởi thực tế nhiều năm qua, ngoài 3 lĩnh vực giám định cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự do các tổ chức giám định tư pháp nhà nước đảm nhiệm, thì nhiều trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trưng cầu cá nhân hoặc tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện GĐTP. Tuy nhiên, việc xã hội hoá hoạt động GĐTP cần có bước đi thích hợp, có lộ trình và trước mắt chỉ nên cho phép thành lập tổ chức GĐTP ngoài công lập ở một số lĩnh vực tương đối phổ biến và thực tế đã phát sinh như đã nói trên.
Về tổ chức GĐTP công lập, ĐB Thích Thanh Quyết chỉ ra: Hiện nay, Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an, phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh đang hoạt động rất tốt, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất kỳ hoàn cảnh, thời điểm nào. Nếu chuyển toàn bộ nhiệm vụ này sang Bộ Y tế thì sẽ mất một thời gian dài mới kế thừa và thực hiện được yêu cầu phục vụ công tác điều tra hình sự của Bộ Công an. Vì vậy đề nghị cần giữ nguyên phòng giám định pháp y ở công an cấp tỉnh và các tổ chức GĐTP công như hiện nay.
Quang Minh - Hoàng Văn Tiếu
Liên kết website
Ý kiến ()