Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 06:58 (GMT +7)
Học Bác cách viết báo
Chủ nhật, 21/06/2020 | 07:08:52 [GMT +7] A A
Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2020) là dịp để chúng ta nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Học Bác cách viết báo là việc mà những người làm báo của Đảng cần lấy đó để tự sửa, rèn luyện cái tâm, ngòi bút của mình.
Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, kể từ bài báo đầu tiên “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo L’Humanite - Nhân đạo (Pháp) ngày 18/6/1919 cho đến bài cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, tổng cộng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng 2.000 bài với 169 bút danh khác nhau, trong đó có hơn 60% số bài viết đăng trên báo Nhân Dân.
Những bài viết của Bác đề cập tới những vấn đề thiết thực nhất đối với đời sống của nhân dân và của đất nước. Hệ thống các bài viết của Người đã tạo nên phong cách báo chí Hồ Chí Minh với nét đặc trưng có thể cô đọng bằng những từ: Chân thực, ngắn gọn, trong sáng, giản dị, sinh động.
Không chỉ viết báo, Bác Hồ còn thường xuyên đọc báo, theo dõi tình hình vùng than Quảng Ninh. Những bài báo đáng chú ý, Bác đánh dấu đỏ bên lề. Những gương người tốt báo nêu, Bác phê thưởng 1 huy hiệu. (ảnh chụp từ hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh) |
Có những câu chuyện xúc động được truyền kể lại về Bác học viết báo. Đó là những năm 1911 - 1917, Người bắt đầu học viết báo để tuyên truyền về trong nước. Không viết được chữ tiếng Pháp, Bác mạnh dạn làm quen, đề nghị Tổng Biên tập Báo Sinh hoạt công nhân giúp đỡ. Đồng chí Tổng Biên tập nói: “Có tin gì anh cứ viết, tôi biên tập cho, miễn là tin đúng sự thật; 3 dòng, 5, 7 dòng cũng được”. Viết rồi, Bác chép làm hai bản, một bản gửi cho báo, một bản giữ lại. Khi bài được đăng báo, Bác đem so sánh với bản gốc xem toà soạn sửa thế nào để rút kinh nghiệm. Ít lâu sau, đồng chí Tổng Biên tập nói: “Anh viết tin ngắn được rồi, nay kéo dài dần ra”.
Sau này, Bác Hồ thường nói, còn một "thầy" dạy Người viết báo nữa là quần chúng. Bài báo viết xong nên đưa anh em đọc góp ý, nghe, sửa lại, không tự ái giấu dốt thì mới tiến bộ được.
Bài học tập viết báo và phong cách làm báo của Bác tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị với những nhà báo, nhất là những nhà báo trẻ, mới vào nghề. Một cái tin, đôi khi chỉ là vài chục chữ nhưng không hề đơn giản bởi tin phải ngắn gọn nhưng cũng đòi hỏi chứa đựng cơ bản những thông tin của sự kiện, sự việc, hiện tượng. Do vậy, muốn thành người viết báo giỏi thì phải không ngừng rèn luyện, học tập, học từ đồng nghiệp, học từ chính mình.
Đặc biệt, muốn có được “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc” như lời cố nhà báo Hữu Thọ, mỗi nhà báo càng cần phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện tính chiến đấu, tấm lòng trong sáng, chân thành, đem cái năng lực của mình để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, thông qua tác phẩm báo chí để góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tác nghiệp tại buổi tường thuật trực tiếp Gala xiếc Ba miền tổ chức tại TP Hạ Long ngày 29/5/2020. |
Trong thời đại mà công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay, xu hướng phát triển của báo chí là toà soạn hội tụ và tác phẩm đa phương tiện, do đó người làm báo cần phải làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh và thật chính xác.
Có ý kiến cho rằng, dù vậy, công nghệ không thể thay đổi được cái tâm. Nhà báo được xã hội tin cẩn, được mệnh danh là người đại diện cho công bằng, lẽ phải, là tai mắt của nhân dân, là người có trọng trách thông tin định hướng dư luận, khơi chiều suy nghĩ và hành động cho công chúng... thì càng phải rèn tâm, luyện đức, phải lấy cái đức làm gốc của nghề nghiệp, cái tâm nhất quán phải soi sáng trong từng tác phẩm báo chí. Bởi vì, ở đó là ngôn từ là phương tiện phản chiếu cái tâm, cái đức của người viết - tâm phải cao, đức phải sáng. Suy cho cùng, báo chí phải phục vụ hết mình cho sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, công cuộc phát triển đất nước.
Nghề báo là một nghề khó, do vậy đòi hỏi mỗi người làm báo phải có ý chí tự cường, tự lập, cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kinh nghiệm quá trình cầm bút của Bác là: “Không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()