Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 23:58 (GMT +7)
Học cách chấp nhận thất bại của Hà Lan
Thứ 3, 19/06/2012 | 05:45:19 [GMT +7] A A
Tin tức thể thao trên báo chí ngày hôm qua 18-6, đều tập trung về sự kiện đội Hà Lan đã thất bại trước Bồ Đào Nha tại vòng bảng Euro 2012. Những người yêu mến đội bóng được mệnh danh là “cơn lốc màu da cam” đã bâng khuâng, “không thể hiểu nổi” tại sao đội Hà Lan lại thua cả ba trận trước Đan Mạch, Đức và Bồ Đào Nha.
Nhưng tư thế của người thất bại Hà Lan lại rất bản lĩnh. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình sau trận thua đội Bồ Đào Nha, một cầu thủ đội Hà Lan đã cho rằng “chúng tôi xứng đáng thất bại”. Một cổ động viên của đội Hà Lan đã nói “hôm nay đội của chúng tôi may mắn, nếu không sẽ còn thua thêm hai quả nữa”. Huấn luyện viên của đội Hà Lan thì thừa nhận: “Chúng tôi chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình”.
Có người ao ước, trong công việc, giá mà mọi chuyện được rõ ràng như bóng đá thì thật ý nghĩa. Mặc dù có nhiều cầu thủ, nhiều đội bóng tìm cách “lách luật”, nhưng bóng đá sẽ không còn hấp dẫn nếu trọng tài lại gian dối trong điều hành trận đấu. Thật ra, trọng tài cũng khó mà điều hành ngoài luật, bởi hệ thống luật bóng đá rất chặt chẽ và trận đấu luôn được giám sát trực tiếp của giới hâm mộ.
Trong thực tế, trước một thất bại, thay vì kiểm điểm rõ nguyên nhân, nhiều người lại cố tìm những nguyên cớ đẩu đâu để biện minh cho thất bại đó. Việc không đủ dũng khí để nhìn rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, ngoài nguyên nhân thiếu bản lĩnh văn hóa, còn do bệnh thành tích tạo ra. “Thất bại là mẹ của thành công”, ngược lại, nếu tự mãn với thành tích đạt được, thì chính là tự xây rào cản con đường đi của mình.
Trong công tác, chừng nào vẫn còn những báo cáo chung chung, đánh giá chung chung, kiểm điểm chung chung, tránh né sự thật, thì chúng ta không thể đề ra được giải pháp hiệu quả. Trong công tác lập quy hoạch, các ý tưởng chỉ hiện thực hóa khi được xây dựng trên những số liệu trung thực, khoa học.
Trở lại chuyện bóng đá. Thắng hay thua trong bóng đá rất bất ngờ, đó cũng chính là sự hấp dẫn của môn thể thao vua này. Biết chấp nhận thua, biết thừa nhận chiến thắng của người khác, thậm chí của đối phương chính là cách rèn luyện bản lĩnh để tiến lên giành những thành tích cao hơn. “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, người xưa đã đúc kết như vậy.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()