Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 05:36 (GMT +7)
Học online, nỗi niềm không của riêng ai
Chủ nhật, 20/03/2022 | 17:57:05 [GMT +7] A A
Với số F0 hàng ngày cao, trong đó học sinh chiếm tỷ lệ không nhỏ, các trường đều cho học sinh học online. Đây là cách phòng bệnh khá hiệu quả với học sinh, nhưng cũng có những nỗi niềm không của riêng ai.
Đối với các gia đình có điều kiện ở thị xã, thành phố thì việc con cái học online gần như không phải lăn tăn là mấy, vì việc mua điện thoại thông minh cho con học khá đơn giản. Mặt khác, các gia đình này cũng có phòng riêng cho con, nên môi trường bên ngoài không ảnh hưởng nhiều. Họ cũng có thể thuê được người giúp việc, nên chuyện ăn uống, sinh hoạt của học sinh nhỏ tuổi ở nhà cũng không có gì đáng ngại.
Tuy nhiên, với những gia đình không có điều kiện, khi các con học online ở nhà, nhiều ông bố bỗng dưng phát hiện rằng mình cũng có “tài” nấu nướng. Anh Nguyễn Văn Thủy, ở phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả, chia sẻ: “Tôi là công nhân mỏ, trước đây đi làm ca ba về là rẽ vào quán phở, rồi về nhà leo lên giường ngủ đến tận 3 giờ chiều. Mấy đứa trẻ nhà tôi trước đây ăn ở trường vì học bán trú, nay học online thì ở nhà suốt. Vậy là hàng ngày tôi chỉ ngủ khoảng 10 giờ trưa đã phải dậy, “mắt nhắm, mắt mở” lo đi chợ, nấu ăn cho con. Vợ tôi làm ở xa nhà, nên những tuần tôi làm ca 1 cả ngày thì cô ấy phải cố gắng về nhà buổi trưa, không như trước đây bữa trưa cô ấy ăn cơm văn phòng”.
Đó là chưa kể nhiều ông bố có thói quen thoải mái ở nhà, như nói to, cởi trần, hát karaoke.., thì nay mọi thói quen đó đành tạm bỏ, vì nhà chật, con cái đâu có phòng riêng, nhỡ chẳng may những hình ảnh, hay câu nói “vô tư” của mình mà lọt vào điện thoại khi con vẫn bật webcam và micro khi đang học thì thật mang tiếng.
Xã Thắng Lợi (huyện Vân Đồn) có khoảng 80% các hộ dân sống lênh đênh trên biển bằng các nghề đánh cá và nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ không xây nhà trên bờ vì nhiều lý do và dùng luôn chiếc thuyền có diện tích khoảng 6 -7m2 thay thế luôn ngôi nhà. Vậy là chuyện học online của những đứa trẻ ở Thắng Lợi cũng bồng bềnh theo.
Theo phản ánh của các giáo viên Trường THCS Thắng Lợi thì do cuộc sống mưu sinh của nhiều phụ huynh, họ thường xuyên đi biển vắng nhà biền biệt, rất ít khi gặp được họ. Các buổi họp phụ huynh nhiều khi giáo viên chủ nhiệm chỉ gặp được ông bà học sinh. Hoặc giáo viên có đi đến tận nhà tuyên truyền cho học sinh học online thì cũng chỉ gặp các cụ. Các cụ thì hứa là sẽ bảo lại cho bố mẹ các cháu, sau đó lại quên mất, vì các từ ngữ như “online, zoom, facebook...” các cụ sao mà nhớ được.
Mặt khác, việc học của trẻ em chưa được nhiều gia đình đề cao, do họ quan điểm học cao thì ngoài đảo cũng không xin được việc, con cái lại làm nghề truyền thống của gia đình thì cần gì. Do vậy, chuyện sắm vi tính hay điện thoại thông minh cho con học online thật khó, nhiều gia đình cũng có điện thoại nhưng bố mẹ mang đi làm biền biệt… Nhà trường giúp các em học theo nhiều cách, qua facebook, lập nhóm zalo đưa bài tập, bài giảng vào đó, sau đó các em linh động mượn điện thoại của nhau chép bài.
Còn ở huyện thị miền núi thì sao? Chúng tôi tìm hiểu tại Trường PTDT bán trú TH&THCS Nam Sơn, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ là xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn năm 2018. Học sinh trong trường đều là người dân tộc thiểu số, sống ở các xã xa trường. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Nhà trường hiện có 52 học sinh (gồm 30 học sinh tiểu học và 22 học sinh THCS), không có máy tính và điện thoại thông minh để học online. Một số gia đình có điện thoại thông minh nhưng bố mẹ lại mang đi làm, phục vụ công việc.
Những học sinh có điện thoại thì học cũng rất khó, vì sóng yếu hoặc không có tiền để mua gói 3G, 4G phục vụ học tập. Đối với các trường hợp này, nhà trường chỉ đạo giáo viên vừa dạy trực tuyến vừa có các hình thức kết nối với học sinh không thể học online, như đến nhà giao bài và hướng dẫn học sinh trực tiếp, nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch; giáo viên liên lạc với phụ huynh để cho bạn này học cùng bạn kia, sử dụng hệ thống video bài giảng để học sinh tự học....
Học online là nỗi niềm không của riêng ai, tất cả đều chung nguyện vọng mong sao dịch bệnh sớm kết thúc để học sinh được trở lại trường, để việc học tập bớt đi những nhiêu khê và chất lượng học tập được nâng cao hơn.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()