Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố kết quả PISA năm 2022 hôm 5/12. Theo đó, học sinh Việt Nam đạt 469 điểm Toán, 462 điểm Đọc hiểu và 472 điểm Khoa học, thấp hơn 3-14 điểm so với mức trung bình của các nước OECD.
So với kỳ đánh giá năm 2018, điểm Toán trung bình của học sinh Việt Nam giảm 27 điểm, Đọc hiểu và Khoa học giảm lần lượt 43 và 71 điểm.
Xét về thứ hạng, học sinh Việt Nam nằm ở mức trung bình về môn Toán, nhưng dưới trung bình ở môn Đọc hiểu và Khoa học. Từ khi Việt Nam tham gia xếp hạng PISA vào năm 2012, kết quả xếp hạng năm nay thấp nhất. Trong đó, kết quả môn Toán học giảm 7-14 bậc, Đọc hiểu giảm 2-21 bậc, Khoa học 27-31 bậc.
Giảm điểm là xu hướng chung của kết quả PISA 2022, riêng các nước trong khối OECD sụt giảm "chưa từng có", theo đánh giá của báo cáo. Học sinh các quốc gia OECD giảm trung bình 15 điểm Toán, 11 điểm Đọc hiểu và 2 điểm Khoa học.
"Hiệu quả giáo dục suy giảm một phần do đại dịch Covid-19", báo cáo nhận định.
Tại hội thảo về Khoa học Giáo dục sáng 6/12, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết cho biết kỳ đánh giá PISA 2022 vốn được dự kiến tổ chức năm 2021, nhưng phải lùi một năm vì Covid-19.
"Tất cả đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng liệu chúng ta có bị ảnh hưởng nặng hơn, nhiều hơn không", ông Vinh nêu vấn đề, cho rằng sẽ có nhiều lý do xoay quanh việc học sinh Việt Nam giảm thứ hạng PISA, cần thời gian để bàn luận và nghiên cứu kỹ.
Dù vị trí xếp hạng PISA giảm, ông Vinh nhìn nhận vẫn có những điểm tích cực trong xu hướng chung. Chẳng hạn, chênh lệch điểm giữa các nhóm học sinh của Việt Nam không nhiều, điều này cho thấy Việt Nam phần nào đảm bảo sự tiếp cận công bằng giáo dục cho cả học sinh ở thành thị và nông thôn.
Kết quả này tương tự ba kỳ PISA trước mà Việt Nam góp mặt. Theo ông Vinh, tỷ lệ điểm cao nhất và thấp nhất của Việt Nam tương đối thấp, "tức là chúng ta làm tốt về mặt trung bình". Nhưng ông Vinh cho rằng đây cũng sẽ là thách thức trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông đặt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học.
PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá học sinh quốc tế với ba môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học, diễn ra theo chu kỳ ba năm một lần. Chu kỳ đầu tiên của PISA được đánh giá vào năm 2000, Việt Nam bắt đầu tham gia từ năm 2012.
Kỳ đánh giá PISA 2022 có gần 700.000 học sinh đến từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Theo đánh giá của OECD, học sinh châu Á vượt trội ở cả ba môn. Đa số các vị trí dẫn đầu là những cái tên quen thuộc như Singapore, Macau, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Báo cáo PISA nhấn mạnh kết quả khảo sát, xếp hạng không phải để các quốc gia cạnh tranh với nhau, mà cung cấp "thông tin hữu ích" cho các nhà giáo dục, hoạch định chính sách phát hiện điểm mạnh, điểm yếu trong hệ thống giáo dục của mình.
Ý kiến ()