Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 21:34 (GMT +7)
Học tập và làm theo gương Bác
Thứ 7, 19/05/2012 | 04:59:56 [GMT +7] A A
Nhân dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay, 19-5 (1890-2012), để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã chỉ đạo các chi bộ đưa chuyên đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” vào sinh hoạt thường kỳ.
Việc đưa hoạt động chuyên đề nói trên vào sinh hoạt thường kỳ tại các chi bộ rất có ý nghĩa, góp phần tổ chức triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay” ngay từ cơ sở, với từng đảng viên.
Ngày 19-5-1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch và Người đã nêu khẩu hiệu: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Trong số các đoàn đến chúc thọ Người hôm đó, có đoàn Ban vận động đời sống mới do một nhà văn dẫn đầu. Nhân lúc trò chuyện, nhà văn này thưa với Bác: “Nhân hôm nay đến chúc thọ Chủ tịch, xin Cụ cho Ban chúng tôi một khẩu hiệu để Ban chúng tôi hoạt động và Bác Hồ đã vui vẻ nói ngay khẩu hiệu: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Khi nhà văn này thành thực thưa lại với Bác Hồ là khẩu hiệu “nghe cổ cổ thế nào ấy ạ”, thì Bác Hồ cười bảo: “Ô hay, cổ à? Cơm các cụ ăn, bây giờ chúng ta ăn cũng thấy ngon, thế thì cổ ở chỗ nào. Cái hay của tổ tiên ta thì ta học. Có đúng không nào?”.
Không chỉ nêu khẩu hiệu, chính Hồ Chủ tịch là tấm gương suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Theo Người, cần có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu và trong sản xuất. Kiệm là tiết kiệm, không lãng phí, tiêu dùng hợp lý nhằm mục đích mở rộng sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Liêm là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị, không tham sung sướng; không nịnh hót kẻ trên và cũng không thích người khác tâng bốc mình. Chính là luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, lên án những cái xấu, cái sai trái. Chí công là mình vì mọi người, luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên hàng đầu. Vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.
Chỉ có thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư thì chúng ta mới có đủ năng lực “nói đi đôi với làm” như Bác. Và chúng ta mới thực sự làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, với đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()