Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:42 (GMT +7)
Hướng tới kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2022) Học và làm theo phong cách làm báo Hồ Chí Minh
Chủ nhật, 19/06/2022 | 07:48:59 [GMT +7] A A
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã có nhiều lời căn dặn đội ngũ người làm báo cách mạng ở nước ta. Mặc dù nghề báo và đội ngũ làm báo ngày nay đã có nhiều thay đổi, nhưng những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc dùng báo chí làm công cụ tác nghiệp để đạt mục đích giải phóng dân tộc - xã hội - con người. Như vậy, phong cách làm báo của Người luôn mang tính hướng đích. Điều này cắt nghĩa tại sao Bác thường hay nhấn mạnh tới những luận đề: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, việc trả lời những câu hỏi trên có lẽ sẽ không giống nhau. Chẳng hạn như, Báo Than ra đời cuối năm 1928, khi mà Đảng ta còn chưa thành lập. Lúc đó, những chiến sĩ cách mạng trong Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội về vùng mỏ “vô sản hoá”, lập ra Báo Than làm vũ khí tuyên truyền. Báo phát hành bí mật để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin, giác ngộ tinh thần yêu nước và phong trào đấu tranh trong công nhân mỏ. Đối tượng của Báo là công nhân và nhân dân lao động ở Vùng than. Vì thế, các tin, bài của báo Than phản ánh tình cảnh bị áp bức, bóc lột dã man và nỗi thống khổ hàng ngày của thợ mỏ, vạch trần tính chất bất công giữa lao động và tư bản, kêu gọi công nhân mỏ đoàn kết đấu tranh để tiến tới giải phóng giai cấp và dân tộc. Với những sự việc gần gũi, lời văn mộc mạc, dễ hiểu, báo Than thực sự trở thành người bạn tin cậy của đông đảo công nhân, người lao động, thợ mỏ, được mọi người bí mật truyền tay nhau đọc.
Sang các giai đoạn tiếp sau, báo chí lại trả lời những câu hỏi nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo những cách khác để góp phần vào sự nghiệp cách mạng.
Ngày nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với thế và lực mới, nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, nhiệm vụ của báo chí rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Vì thế, nhà báo phải đặt mình trong bối cảnh, “dòng chảy” đó để tự đặt ra và trả lời những câu hỏi Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?
Luật Báo chí năm 2016 đã xác định: Báo chí ở nước ta là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của Nhân dân.
Báo chí có nhiệm vụ: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc...
Những nội dung trên trả lời cho câu hỏi báo chí viết cái gì, viết để làm gì. Nhưng tuỳ theo tôn chỉ, mục đích của mỗi cơ quan báo chí thì dung lượng phản ánh những vấn đề trên lại cần có sự phù hợp.
Về đối tượng phục vụ cũng vậy, báo Đảng cần tập trung nhiều cho việc tuyên truyền xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng. Báo chí của bộ, ngành lại cần có sự phản ánh chuyên sâu về lĩnh vực của bộ, ngành chủ quản. Nếu không thì rất dễ bị thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích, hoạt động chồng chéo, chạy theo lợi nhuận thuần tuý... như Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đã chỉ ra.
Còn viết như thế nào thì những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cụ thể, đặt trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển nhanh, mạnh như hiện nay, điều này lại càng đúng.
Viết như thế nào? Theo Bác, việc này phải gắn với mục đích của bài báo. Bài báo viết phải thiết thực, cụ thể, viết rõ sự thực. Không viết chung chung, chính trị suông, rập khuôn, sáo rỗng. Bác giải thích đường lối chính trị của Đảng về mọi mặt bằng những bài viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, lôi cuốn độc giả, giúp họ hiểu những vấn đề phức tạp, đồng thời nâng cao trình độ chính trị của họ lên.
Bác từng nêu ra một số "bệnh" làm báo hay mắc phải như: Nói một chiều, đôi khi thổi phồng thành tích, nói ít hoặc không nói đúng mức những khó khăn, khuyết điểm của ta; đưa tin tức có khi chậm, khi hấp tấp, thiếu thận trọng, lộ bí mật, thiếu cân đối, tin đáng dài thì viết ngắn, đáng ngắn lại viết dài...
Bác cũng căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Để khẳng định được vai trò đó, Bác cho rằng người làm báo “phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ”. Cùng với đó, phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế; thông tin phải chân thực, chính xác, cẩn thận về nội dung và hình thức.
Học và làm theo phong cách làm báo Hồ Chí Minh, từng nhà báo mỗi khi tác nghiệp hãy tự trả lời những câu hỏi nêu trên, chắc chắn sẽ có những bài báo thiết thực, thú vị với bạn đọc.
Đỗ Ngọc Hà (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()