Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:05 (GMT +7)
Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Phát huy vai trò trong hoạt động nhân đạo, từ thiện
Thứ 6, 25/08/2023 | 08:59:23 [GMT +7] A A
Cùng với tiến trình thành lập và phát triển của tỉnh, trải qua hơn 60 năm thành lập, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Quảng Ninh đã phát huy vai trò, vị trí, tầm quan trọng thực hiện hoạt động nhân đạo, từ thiện, khắc phục thiên tai, thảm họa, đảm bảo đời sống nhân dân trong tỉnh.
Chiều 18/9/1961, tại TX Hòn Gai (khu Hồng Quảng) Hội Hồng thập tự khu Hồng Quảng chính thức được thành lập do bác sĩ Hồ Văn Cung, Giám đốc Ty Y tế khu Hồng Quảng làm Chi hội trưởng. Việc Hội Hồng thập tự được thành lập đã thể hiện sự quan tâm của Trung ương, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hội hoạt động theo 7 nguyên tắc: Nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, toàn cầu. Tuy được hình thành tổ chức, nhưng hoạt động của Hội Hồng thập tự chưa có tổ chức bộ máy hoạt động chuyên trách, mọi hoạt động đều dựa vào khu y tế.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 30/10/1963, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp thành tỉnh Quảng Ninh. Các ngành, các đoàn thể, tổ chức lần lượt hoàn thành hợp nhất và đi vào hoạt động. Riêng Hội Hồng thập tự Hồng Quảng được chuyển thành Hội Hồng thập tự Quảng Ninh, Ban Chấp hành hội có 14 người. Tháng 6/1964 toàn tỉnh có 1 chi hội với 13 phân hội, gồm 5 phân hội địa phương: Đông Triều, Hòn Gai, Quảng Yên, Uông Bí, Cẩm Phả; 4 phân hội trường học và 4 phân hội xí nghiệp. Tổng số hội viên Hội Hồng thập tự Quảng Ninh có 2.100 người, trong đó có 540 người là cán bộ y tế; số còn lại ở các tổ chức, trường học, xí nghiệp. Năm 1965, Hội Hồng thập tự Quảng Ninh được đổi tên thành Hội CTĐ Quảng Ninh.
Giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, khi mục tiêu đánh phá Vùng mỏ của địch ngày càng rộng với cường độ cao, vấn đề giải quyết hậu quả của địch đánh phá được Tỉnh ủy xác định cho từng cấp, từng ngành, từng lực lượng. Riêng mạng lưới CTĐ đã được xác định với phương châm: Cơ động, 3 tại chỗ (người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, thuốc tại chỗ); hội viên CTĐ tham gia các đội cấp cứu, tải thương, giải quyết khẩn trương, dứt điểm thương vong sau mỗi trận ném bom bắn phá của địch.
Có trận bom đã gây thương vong nhiều cho lực lượng cấp cứu tải thương, trong đó có trên 60% là hội viên CTĐ. Tuy nhiên, khắc phục mọi khó khăn, các hội viên CTĐ đã dũng cảm vượt qua bom đạn thực hiện tốt nhiệm vụ cấp cứu nạn nhân, hạn chế nhiều thương vong tại chỗ. Tiêu biểu là các hội viên CTĐ ở Văn phòng Sở Y tế, Bệnh viện hang số 6 (thị trấn Hà Tu), các khu phố Hạ Long, Bạch Đằng, Phố Mới (TX Hòn Gai); Bệnh viện TX Cẩm Phả, Mỏ than Đèo Nai, Nhà sàng Cửa ông, Mỏ than Cọc Sáu (TX Cẩm Phả). Nhiều hội viên CTĐ tham gia tiếp đạn cho các trận địa pháo phòng không, làm hộ lý băng bó, chăm sóc thương binh...
Qua 4 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965-1968), tất cả các nơi có chiến đấu, mạng lưới y tế cứu thương hội viên CTĐ đã phát huy được tác dụng to lớn trong cấp cứu người bị thương với 1.621 đội cấp cứu gồm 16.544 người, trong đó có 10.000 hội viên CTĐ.
Rút kinh nghiệm của thời kỳ này, Hội CTĐ Quảng Ninh đã có kế hoạch huấn luyện chuyên môn cho hội viên, trang bị túi thuốc sơ cứu cho các đội sơ cứu, sơ tán. Nhờ đó, khi bước vào cuộc chiến đấu ác liệt năm 1972 địch đánh phá từ Yên Hưng (TX Quảng Yên ngày nay) đến TX Cẩm Phả (riêng TX Hòn Gai địch đánh phá 6 điểm), hoạt động cứu thương, tải thương của Hội CTĐ đã góp phần đáng kể cấp cứu nạn nhân an toàn, giảm thiểu tối đa tử vong.
Không chỉ thực hiện cứu thương, tải thương trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Hội CTĐ Quảng Ninh đã củng cố phát triển mạng lưới CTĐ lúc bình thường, vận động nhân dân thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch và hoạt động từ thiện từ các xã, thị trấn, đến các công trường, xí nghiệp.
Mặc dù đất nước chưa hết chiến tranh, Hội CTĐ vẫn phối hợp với ngành y tế truyên truyền, vận động nhân dân thực hiện 3 chương trình (giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh), phong trào 3 diệt (diệt chuột, diệt ruồi, diệt muỗi). Tính đến hết năm 1971, toàn tỉnh đã làm mới, sửa chữa 19.447 giếng nước, 15.546 nhà tắm, 33.886 nhà vệ sinh. Tại các công trường, xí nghiệp trong toàn tỉnh, hội viên CTĐ phối hợp cùng nữ công làm được 663 buồng tắm, 79 buồng vệ sinh.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào: “Lá lành đùm lá rách, rách ít giúp đỡ rách nhiều”, “Đền ơn chiến sĩ cách mạng hy sinh vì Tổ quốc”; các hoạt động cụ thể giúp đỡ nhân dân khắc phục bão lũ, thiên tai; cấp thuốc cho các địa phương phòng dịch sau thiên tai.
Sau khi đất nước thống nhất, Hội CTĐ Quảng Ninh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh thực hiện hiệu quả công tác nhân đạo, từ thiện; hệ thống tổ chức hội được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Đến năm 2000, Hội CTĐ tỉnh có 384 cơ sở hội, 1.702 chi hội, 2.553 tổ hội, phân hội, với tổng số 86.836 hội viên.
Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, hiện nay Hội CTĐ tỉnh có tổng số 14 hội trực thuộc, trong đó 13 hội cấp huyện; 281 cơ sở hội, trong đó có 177 cơ sở hội cấp xã, phường; Hội CTĐ tỉnh hiện có 174.403 người, trong đó 76.378 hội viên, 9.054 tình nguyện viên và 88.900 thanh thiếu niên; 209 đội tình nguyện viên CTĐ.
Trên chặng đường đổi mới phát triển của tỉnh, cán bộ, hội viên Hội CTĐ Quảng Ninh đã tích cực phát huy vai trò, nhiệm vụ trên các mặt công tác, góp phần khắc phục thiên tai, thảm họa, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()