Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:22 (GMT +7)
Hội chứng rối loạn ăn uống: Dấu hiệu nhận biết và điều trị
Thứ 6, 24/05/2024 | 17:08:27 [GMT +7] A A
Làm cách nào để nhận biết bệnh ăn vô độ tâm thần? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
ThS.BS Vũ Sơn Tùng, Phó Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và ăn uống, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Ca lâm sàng mà Viện Sức khỏe Tâm thần vừa tiếp nhận là điển hình cho việc ăn vô độ tâm thần. Việc bệnh nhân ăn uống vô độ, lặp đi lặp lại rồi tự gây nôn, khiến cổ họng luôn bị viêm hoặc đau, các vấn đề về răng do xói mòn men răng do nôn mửa.
Bên cạnh đó, bệnh nhân lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu, gây rối loạn tiêu hoá, nhu động ruột tổn thương, thích uống nhuận tràng. Bệnh nhân cuồng tập thể dục, người suy kiệt vẫn tập 2-3 lần/ngày, luôn thiếu tự tin về ngoại hình…
ThS.BS. Vũ Sơn Tùng chia sẻ các dấu hiện nhận biết ăn vô độ tâm thần gồm những triệu chứng sau:
- Cân nặng của cơ thể bình thường hoặc trên trung bình một chút nhưng luôn bị ám ảnh về cân nặng.
- Lặp đi lặp lại việc ăn vô độ và không thể ngừng ăn.
- Tự gây nôn.
- Tập thể dục quá mức.
- Gặp các vấn đề men răng do thường gây nôn.
- Lạm dụng thuốc nhuận tràng, nhu động ruột bị tổn thương.
- Mệt mỏi, ít năng lượng.
- Thiếu tự tin về bản thân và ngoại hình.
- Xuất hiện cảm giác bản thân ăn nhiều, chán ghét bản thân.
- Than phiền, chán nản, bận tâm quá mức về cơ thể.
Theo bác sĩ Tùng, bệnh nhân rối loạn tâm thần ăn vô độ cũng có xu hướng lạm dụng rượu và các chất gây nghiện. Bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: tổn thương, viêm dạ dày, đau họng hoặc xuất huyết tiêu hóa. Với trường hợp lạm dụng thuốc nhuận tràng, người bệnh có thể gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa mất trương lực cơ, mất cân bằng điện giải, rối loạn nhịp tim, thiếu máu.
Bác sĩ Tùng cũng cho biết thêm: bệnh nhân ăn uống vô độ cũng có thể gặp các vấn đề rối loạn kinh nguyệt hoặc rối loạn chức năng tình dục.
"Bệnh nhân ăn uống vô độ tâm thần thường đi khám tại các khoa tiêu hóa, nội tiết, tai mũi họng. Chỉ đến khi cơ thể tổn thương kèm theo các rối loạn tâm thần, bệnh nhân mới đến khám tại Khoa Tâm thần. Rất nhiều người mắc rối loạn ăn uống nhưng bị nhầm thành bệnh khác. Thậm chí có trường hợp được chẩn đoán mắc rối loạn ăn uống nhưng không chịu thừa nhận bản thân mắc chứng bệnh tâm thần này", bác sĩ Tùng cho hay.
Bác sĩ Tùng cũng khuyến cáo thêm rằng khi gặp các vấn đề rối loạn ăn uống, mọi người nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng cách. Đặc biệt, bệnh nhân ăn vô độ có các đặc điểm nổi bật: Ăn một lượng thức ăn lớn hơn mọi người và mất kiểm soát đối với việc ăn uống, đồng thời, tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu và nhịn ăn từng giai đoạn, tập luyện quá mức. Luôn luôn nghĩ tới việc ăn uống và thèm ăn mãnh liệt.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()