Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:44 (GMT +7)
Hội làng và tục thờ thành hoàng ở Quảng Yên
Thứ 7, 05/02/2022 | 11:06:54 [GMT +7] A A
Yên Hưng xưa, Quảng Yên nay, mảnh đất địa linh cổ kính và hiện đại, trầm mặc và náo nhiệt đang bừng sáng bên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại. Quảng Yên đang thay da đổi thịt từng này. Miền quê này đang dần trở thành thành phố, một đô thị đậm chất “làng trong phố”, một địa phương điển hình còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, những người con Quảng Yên lại chẳng thể nào quên ngôi đình thờ thành hoàng và ngày hội làng vẫy gọi.
Tục thờ thành hoàng ở thị xã Quảng Yên có từ khi các làng xã ở nơi đây được hình thành. Thành hoàng là những vị có công dựng nước và giữ nước chống giặc ngoại xâm. Họ là những anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa hoặc là những lực lượng tự nhiên đã được lịch sử hóa. Đó là những vị thần diệt ác, trừ hung, bảo hộ cho dân làng nhân khang vật thịnh.
Ngày xưa, ở Quảng Yên có mười tám làng cổ thì có 18 ngôi đình, 18 ngôi đền - miếu thờ thành hoàng làng. Làng Vị Khê thờ Hưng Đạo Đại Vương Thượng đẳng thần và Phạm Tử Nghi Tôn thần làm thành hoàng. Làng Phong Cốc thờ thành hoàng là Tứ vị Thánh Nương. Làng Quỳnh Lâu thờ Liễu Hạnh Công chúa. Làng Khoái Lạc thờ Liễu Hạnh Công chúa, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương và Đông Phong Đại Vương làm thành hoàng...
Do phong tục của từng làng và các vị thành hoàng được thờ của các làng có khác nhau nên các ngày sự lệ cúng tế thành hoàng của các làng cũng khác nhau. Nhưng hàng năm các làng đều có các sự lệ diễn ra ở đình như: Tế lễ kỷ niệm các ngày sinh, ngày hóa của các vị thành hoàng, mùng 1 tháng giêng lễ tết Nguyên đán, tháng tư chọn ngày tốt lễ Khai trương, mùng 5 tháng năm lễ Đoan Ngọ, chọn ngày tốt đầu tháng sáu lễ Hạ điền. Chọn ngày tốt tháng bẩy lễ thượng điền, mùng 10 tháng mười lễ Thường tân (cơm mới), 30 tháng chạp lễ tống cựu nghinh tân (tiễn năm cũ, đón năm mới). Đặc biệt vào dịp tháng mười một, tháng chạp, nhất là tháng giêng đầu năm, các làng đều tổ chức sự lệ chính của làng, đó là “lễ Đại kỳ phúc” (ngày hội làng) để báo cáo với các thành hoàng về một năm đã qua và cầu mong các thành hoàng phù hộ cho dân làng một năm mới nhân khang, vật thịnh.
Cả thị xã Quảng Yên vào tháng một, chạp và tháng giêng tràn ngập không khí hội hè, nhiều người con ở xa quê cũng về dự hội. Ngày xưa, những năm được mùa các làng thường tổ chức hội làng từ 5 đến 7 ngày. Ngày nay các hội làng thường diễn ra trong ba ngày, như làng Vị Khê mở hội làng từ 30 tháng mười một đến mùng 2 tháng hai. Làng Vị Dương hội làng từ ngày 14 đến 17 tháng hai. Làng Lưu Khê hội làng từ ngày mùng 5 tới mùng 9 tháng ba. Làng Quỳnh Biểu mở hội làng từ mùng 5 tới mùng 8 tháng ba…
Hội làng của các làng có khác nhau về thời gian hội, không gian hội và một số nghi thức, nghi lễ nhưng nội dung chính của lễ hội đều có các nghi thức rước thành hoàng và nghi lễ cúng tế tạ ơn thành hoàng đã phù hộ cho một năm đã qua dân tình khang thái, mùa màng bội thu. Cầu mong các thành hoàng phù hộ cho dân làng một năm mới nhân khang, vật thịnh.
Vào trước ngày diễn ra hội làng, các cụ tiên thứ chỉ và cao niên trong làng thường họp ở đình để điểm danh các thanh niên đến tuổi 17 vào sổ đinh để chia ruộng cày cấy và đóng đám. Bàn về tổ chức lễ hội, chọn người chủ tế và phân công người viết văn tế, phân công các quan viên trong đoàn tế, chọn và phân công phù giá nam và phù giá nữ. Chủ tế phải là người cao niên, vợ chồng đức độ, song toàn, con cái phương trưởng có trai có gái, có sức khỏe và am hiểu nghi thức tế lễ. Các quan viên trong đoàn tế phải là người cao tuổi từ lão nhiêu trở lên và am hiểu nghi thức, nghi lễ tế thành hoàng. Phù giá là các nam, nữ thanh niên chưa vợ, chưa chồng tuổi từ 17 đến 20 để khiêng kiệu Bát cống, kiệu long đình, khênh hương án, mang cờ thần, chấp kích, bát bửu, tàn lọng...
Lễ vật cúng thần, các làng thường phân các xóm hoặc các giáp biện lễ. Các giáp lại cắt cử cho các thanh niên đến tuổi vào đám chuẩn bị. Người vào đám phải chuẩn bị một lợn ông bồ và bánh dày, xôi, rượu, hoa quả. Chuồng nuôi lợn ông bồ cúng thần phải sạch sẽ, không cho lợn ăn các thứ ăn bẩn, chỉ ăn rau, gạo, cám. Lợn ông bồ hiến lễ được làm lông cạo trắng, mổ đặt nằm trên bàn hình chữ nhật, mặt lợn phủ mỡ chài. Lòng, tim gan luộc chín bày lên mâm thau, đậy lồng bàn, đặt trên lưng lợn.
Ngày đầu tiên của hội làng là nghi thức rước thần và tế yết. Dân làng tổ chức rước tượng các thành hoàng và sắc phong của thần từ đền hoặc miếu nơi thần ngự hàng ngày về đình làng và làm lễ tế yết.
Hôm sau ngày chính hội, đoàn tế của làng tổ chức tế các thành hoàng tại đình. Dân làng và khách thập phương mang lễ vật tới đình lễ thành hoàng.
Ngày hôm sau, dân làng lại tổ chức rước các tượng thành hoàng và sắc phong của thần từ đình về đền hoặc miếu rồi làm lễ tạ.
Trong các nghi thức và nghi lễ của hội làng, háo hức nhất, đông người xem nhất là đoàn rước tượng các thành hoàng và sắc phong của thần. Thứ tự đoàn rước như sau: Đi đầu là đoàn múa kỳ lân có chú tễu dẹp đường; tiếp theo là đội khênh chiêng, trống; nối tiếp là đoàn người cầm cờ thần (cờ ngũ phương); sau là hai hàng chấp kích và bát bửu; rồi đến hai hàng người đội hoặc khênh lễ vật gồm hoa, quả, bánh dày, rượu, lợn ông bồ; tiếp theo là hương án hoa quả của làng; tiếp theo là kiệu long đình rước hộp sắc của các thành hoàng; theo sau là các kiệu Bát cống trên có các tượng thành hoàng; đi sau là các quan viên đoàn tế và dân làng.
Quanh khu vực đình làng, dân làng tổ chức các trò chơi dân gian như chơi đu, đánh vật, chọi gà, tổ tôm điếm, hát đúm giao duyên. Buổi tối ngày chính hội, có làng còn thuê đoàn tuồng hoặc chèo về diễn tích cổ cho dân làng xem. Mỗi làng một sắc hội hè. Mùa xuân, thị xã Quảng Yên náo nức các làng quê.
Lê Đồng Sơn
Liên kết website
Ý kiến ()