Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:57 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 4, 18/08/2021 | 18:44:37 [GMT +7] A A
Ngày 18/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo tóm tắt Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong 15 đề án, chương trình trọng điểm đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định.
Theo Đề án, tại Quảng Ninh, số doanh nghiệp đăng ký mới liên tục tăng qua các năm. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân đứng thứ 10 trong cả nước. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp từng bước được cải thiện, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự có sự bứt phá, chưa tạo thuận lợi để thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa hoàn thiện và thiếu tính liên kết. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng bền vững vẫn còn chậm so với yêu cầu. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ; thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Tỉnh chưa có chiến lược phát triển thương hiệu và các sản phẩm chủ lực trong các ngành, lĩnh vực để đầu tư có trọng điểm, ưu tiên về nguồn lực để đầu tư phát triển. Một số chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa thống nhất, đồng bộ, còn vướng mắc trong thực hiện. Cấp ủy, lãnh đạo một số đơn vị, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của tỉnh.
Mục tiêu của Đề án là huy động tối đa các nguồn lực tạo bước đột phá về phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp và đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; phát triển các sản phẩm chủ lực trong các ngành, lĩnh vực nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; xây dựng và phát triển thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh dựa trên tiềm năng, đặc thù riêng của địa phương.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh là nội dung rất quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng với tầm nhìn chiến lược. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trong đó, lưu ý vấn đề cốt lõi là phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trước hết, cần sớm nghiên cứu hình thành, xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh trên cơ sở hình thức hợp tác công-tư và thu hút được các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong nước, quốc tế tham gia. Ngoài ra, cần xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Đề án cần nghiên cứu sâu hơn về phát triển sản phẩm chủ lực địa phương và xây dựng thương hiệu địa phương của tỉnh. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, phải lựa chọn những sản phẩm chủ lực gắn với vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tỷ trọng chế biến có giá trị gia tăng cao, đáp ứng các yêu cầu về thị trường trong và ngoài nước. Đối với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, cần nghiên cứu vào các sản phẩm chủ lực trong công nghiệp chế biến chế tạo. Riêng với lĩnh vực du lịch, dịch vụ, cần kế thừa tiếp nối tinh thần việc xây dựng nền công nghiệp văn hóa sáng tạo và "Nụ cười Hạ Long"; phải xây dựng thương hiệu Hạ Long là thương hiệu mạnh quốc gia và mang tầm quốc tế.
Đối với thương hiệu của tỉnh, nên nghiên cứu và định vị thương hiệu của tỉnh theo hướng là Quảng Ninh - Chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, sớm hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu Quảng Ninh, thương hiệu Hạ Long và tiếp tục thực hiện quan điểm, định hướng phát triển về công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Dự kiến diễn ra 1 ngày vào 27/8/2021, Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh sẽ thảo luận và xem xét thông qua các nội dung: Một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt Hàn, Trường Cao đẳng Y tế gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư một số dự án triển khai trong kế hoạch đầu tư công năm 2022; các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập từ năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh; danh mục các dự án, công trình thu hồi đất có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đợt 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh...
Cho ý kiến về nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn phải tích cực phối hợp, phải nghiêm túc, trách nhiệm hơn trong công tác chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, đảm bảo chất lượng trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị. Các nội dung phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, làm rõ căn cứ, tính cấp thiết cũng như đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn và mong muốn của cử tri. Đối với từng cơ chế chính sách, phải đánh giá kỹ các đối tượng sẽ thụ hưởng chính sách để đảm bảo hiệu quả ngay khi Nghị quyết ban hành và triển khai, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()