Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:10 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 4, 16/03/2022 | 17:55:24 [GMT +7] A A
Ngày 16/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, kết quả công tác quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II/2022 cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ quý I năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc mới tăng nhanh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến ngày 15/3/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 217.000 ca mắc, trong đó có nhiều người là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, giáo viên, nhân viên y tế trên địa bàn. Cùng với việc bị ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, nguồn lao động, thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu cũng gặp khó khăn do chính sách phòng dịch nước bạn; việc mở cửa thông quan bị gián đoạn, ảnh hưởng giao thương hàng hóa, chuỗi cung ứng đầu vào và đầu ra đối với hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất của ngành than, vận tải du lịch…
Trước những thách thức, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo đúng phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; quan tâm, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tỉnh chỉ đạo đảm bảo yêu cầu “6 đủ”; không ngừng nâng cao năng lực y tế từ tỉnh đến cơ sở, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường đảm bảo có đủ khả năng xử lý kịp thời, ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống; tăng cường, kiểm soát, bảo vệ các đối tượng trọng điểm, có nguy cơ cao. Do đó, dù số ca mắc mới gia tăng liên tục song trên 99,5% các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng, số ca tử vong rất thấp, chiếm 0,04% số ca mắc, thấp hơn 20 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Tỉnh tận dụng tối đa thời điểm vàng trước Tết Nguyên đán để tập trung triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho những người đủ điều kiện, bảo đảm tuyệt đối an toàn, sớm và nhanh nhất cả nước. Đến ngày 15/3/2022, độ bao phủ tiêm mũi 1, 2 đối với người đủ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%, mũi 3 đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt 96%.
Song song với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm...
Với quyết tâm triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 theo Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH, giữ vững đà tăng trưởng. Trong đó đã chủ động xây dựng chương trình mở cửa phục hồi thu hút mạnh mẽ khách du lịch tới với Quảng Ninh với những cách làm đột phá.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã giữ được sự ổn định tình hình; đảm bảo cho chỉ đạo, điều hành không bị đứt đoạn, đảm bảo lao động cho ngành kinh tế; từng bước thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, giữ vững địa bàn thích ứng an toàn, ổn định, phát triển KT-XH, tạo đà phát triển để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022.
Bức tranh KT-XH 3 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều điểm sáng, nổi bật trên các lĩnh vực. Dự báo tốc độ tăng trưởng tiếp tục đạt trên 8%, là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19. Khu vực dịch vụ tăng 11,17%, cao hơn 1,01% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước thực hiện đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 20.120 tỷ đồng, tăng 9,75% so với cùng kỳ. Công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường được tăng cường; công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm, động lực được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ. An sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong dịp Tết, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp trong quý II/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất, trong quý II xác định rõ mục tiêu giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới, hoàn thành “mục tiêu kép” cả năm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý II là 12,54%, tăng trưởng 6 tháng là 10,25%, thu ngân sách nhà nước quý II không thấp hơn 13.000 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả. Trong lãnh đạo chỉ đạo phải luôn bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời những điểm nghẽn, ách tắc, khâu còn chậm trễ, kéo dài để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương; siết chặt kỷ luật kỷ cương đi đôi với đổi mới sáng tạo.
Tập trung tháo gỡ mặt bằng thi công; đảm bảo nguồn vật liệu san lấp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng hiệu quả thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho công nhân lao động ngành than và khu công nghiệp; đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho các ngành sản xuất; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu; quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, giáo dục đào tạo...
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về việc xin chủ trương phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, bản khu phố và ban hành chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Theo rà soát, toàn tỉnh có 1.543 thôn, bản, khu phố. Trong đó có 177 thôn, bản, khu phố đạt dưới 50% tiêu chuẩn (quy mô một số hộ gia đình) thuộc diện phải sắp xếp; 405 thôn, bản, khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn; 961 thôn, bản, khu phố đạt từ 100% tiêu chuẩn trở lên.
Căn cứ quy định của Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát, đề xuất phương án sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Đến nay, các địa phương đã triển khai các quy trình, thủ tục đảm bảo theo đúng quy định như xây dựng đề án; tổ chức lấy ý kiến nhân dân nơi cư trú tại các thôn, bản, khu phố...
Cho ý kiến về nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, tiếp tục chỉ đạo, rà soát chặt chẽ, cụ thể với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ để lập danh sách chính thức cũng như số lượng các thôn, bản, khu phố đề nghị sáp nhập để UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị.
Việc sắp xếp, sáp nhập trên cơ sở đảm bảo không chia tách các thôn, bản, khu phố đang hoạt động ổn định. Quá trình sáp nhập phải tính toán kỹ điều kiện, đặc điểm, đặc thù của từng địa phương, đơn vị, nhất là ở những nơi có đồng bào dân tộc sinh sống gắn kết nhiều đời trên cùng 1 địa bàn.
Mục tiêu lấy sự ổn định là cao nhất, nhân dân được hưởng lợi nhiều hơn, thuận tiện hơn và quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, trong tập thể lãnh đạo địa phương ở cả cấp xã và cấp huyện. Đồng thời, hướng đến xây dựng cộng đồng tự quản; nhân dân các dân tộc đoàn kết, phấn khởi và công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương gắn với cánh tay nối dài ở thôn, bản, khu được thuận lợi hơn, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển KT-XH, quản trị địa phương trong phòng, chống dịch bệnh và nhất là đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()