Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 06:20 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 5, 17/11/2022 | 19:00:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 17/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để nghe và cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 12 – kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2022) của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 7-9/12. Đây là kỳ họp quan trọng nhất trong năm. Các nội dung trình tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh năm 2023 cũng như các năm tiếp theo. Trong đó, có nhiều nội dung về các giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện 3 đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận cho ý kiến vào chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh phát triển cả về quy mô, mạng lưới trường lớp, nhất là giáo dục mầm non tư thục, góp phần đa dạng hóa các loại hình giáo dục, tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh có 595 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 403 cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã huy động được 21.726 trẻ em, chiếm 26,7% so với tổng số trẻ em ra lớp học tại cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ giáo viên hiện có hơn 2.500 người, chiếm 25,4% tổng số cán bộ, quản lý, giáo viên nhân viên mầm non trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay tại các khu vực thành thị, các KCN đang thiếu nhiều trường, lớp mầm non, nhất là khi Quảng Ninh đang thực hiện chủ trương lớn về phát triển nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô dân số và thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục mần non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Trong khi đó hệ thống giáo dục mầm non tư thục phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của tỉnh. Chất lượng chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục cơ bản còn thấp, chưa đạt tới mặt bằng chung, số cơ sở giáo dục theo mô hình chất lượng cao còn rất ít, chưa tạo được niềm tin đối với cha mẹ và nhân dân... Vì vậy rất cần có các chính sách đủ mạnh, tác động và giải quyết đúng các khó khăn hiện tại để phát triển nhanh, bền vững, có chất lượng hệ thống các trường mầm non, nhất là trường mầm non tư thực.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định: Chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, nhất là mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, sẽ giải quyết một số khó khăn trong giáo dục mầm non, đặc biệt giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách cho nhà nước, giảm biên chế cán bộ, quản lý, giáo viên mầm non; tạo cơ hội việc làm cho một số bộ phận giáo dục mầm non... Đồng thời, càng tiếp tục khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc chăm lo cho lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục mầm non.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thống nhất với chính sách hỗ trợ đối với trẻ mầm non là con em công nhân làm việc ở các KCN; chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở địa bàn có KCN; chính sách chính sách hỗ trợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; chính sách hỗ trợ lãi suất vay thương mại. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng và mức hỗ trợ.
Đối với chính sách khuyến khích đào tạo cán bộ công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế và giáo dục trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng: Đây là chính sách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, bởi có được đội ngũ giáo viên giỏi, đội ngũ bác sĩ đạt trình độ chuyên sâu sẽ trực tiếp nâng cao được chất lượng phục vụ nhân dân. Cơ quan trình cần tính toán kỹ lưỡng đối tượng thụ hưởng, các chính sách, mức hỗ trợ đi kèm để thực sự khích lệ được tinh thần và tạo động lực cho người học. Qua đó, góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là các nhân lực trẻ.
Cho ý kiến dự toán thu NSNN, chi NSĐP năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Về thu NSNN năm 2023, phấn đấu đạt và vượt chi tiêu Quốc hội giao và trong năm điều hành sẽ phấn đấu đạt mức cao nhất ở cả 2 khoản thu nội địa và thu xuất nhập khẩu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XV. Trong số cân đối đầu năm phải tính toán việc tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung cho chi đầu tư phát triển. Đối với khoản thu tiền sử dụng đất phải tính toán kỹ để vừa tạo động lực cho các địa phương thu lành mạnh, thu bền vững, thu vì thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thu vì dân sinh, vì sự phát triển bền vững nhưng phải kiểm soát kỹ các quỹ đất để phục vụ cho mục tiêu lâu dài vì lợi ích nhân dân. Đồng thời, cũng phải tính toán kỹ các dự án phát sinh một lần mà có khoản thu đột biến.
Đối với đầu tư công, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả khâu đột thứ 3 về phát triển văn hóa xã hội, con người, thu hẹp chênh lệch vùng miền, xem xét dành nguồn lực từ tiết kiệm chi thường xuyên 2023 cho một số công trình có ý nghĩa an sinh xã hội; trong đó ưu tiên nguồn lực cho việc nâng cấp một số trạm y tế xuống cấp ở các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn trên cơ sở có đề án tổng thể cả tỉnh. Cùng đó, yêu cầu làm rõ một số công trình mà mục tiêu phải hoàn thành trong trung hạn để xác định trách nhiệm và mức hỗ trợ vốn, bố trí vốn phù hợp với khả năng tiêu vốn đối với các dự án chuyển tiếp năm 2023; làm rõ lý do đối với các công trình, dự án kéo dài. Đối với công trình khởi công mới, phải quan tâm đến chất lượng chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cho ý kiến về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh; nội dung, mức chi để chuẩn bị, tổ chức và tham dự một số kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh; biên chế khối đảng, đoàn thể, quyết định giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2023; sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở cho ý kiến cụ thể về từng nội dung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải tích cực phối hợp nghiêm túc, trách nhiệm để tiếp tục rà soát, chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, đảm bảo chất lượng trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị. Khi xây dựng các nội dung chính sách phải hết sức lưu ý đối tượng thụ hưởng và phạm vi tác động, làm rõ các luận cứ pháp luật, tính toán nguồn lực, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo phải đưa thực tiễn cuộc sống vào chính sách và chính sách khi ban hành sẽ quay trở lại phục vụ thực tiễn tốt hơn, mang lại giá trị cao hơn cho người dân, xã hội.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()