Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:06 (GMT +7)
Hội nghị công bố các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DGI, ICT năm 2021
Thứ 7, 16/04/2022 | 12:57:21 [GMT +7] A A
Ngày 16/4, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), Chỉ số đo lường sự hài lòng, Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện và đánh giá mức độ, xếp hạng chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Dự hội nghị có các đồng chí: Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Tham dự hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh có hơn 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được truyền trực tuyến tới các địa phương trong toàn tỉnh.
Tại hội nghị, đồng chí Bùi Thúy Phượng, Giám đốc Sở Nội vụ, đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DGI, ICT năm 2021 của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời phân tích sơ bộ những điểm mới, sự thay đổi về việc đánh giá các chỉ số; phân tích kết quả, nguyên nhân và đề ra giải pháp cơ bản trong việc tiếp tục triển khai đánh giá các chỉ số.
Kết quả cụ thể, đối với chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), ở khối các sở, ban, ngành, điểm trung bình đạt 88,5 điểm, tăng 1,3 điểm so với năm 2020.
Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh đạt điểm cao nhất (91,7 điểm); Sở Tài nguyên và Môi trường đạt điểm thấp nhất (81,9 điểm). Khoảng cách giữa đơn vị đạt điểm cao nhất với đơn vị có điểm thấp nhất là 9,8 điểm.
Khối 13 địa phương, điểm trung bình đạt 89,4 điểm, thấp hơn 0,5 điểm so với năm 2020.
Thị xã Đông Triều đạt điểm cao nhất (92,7 điểm); huyện Cô Tô là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng (85,8 điểm). Khoảng cách giữa đơn vị đạt điểm cao nhất và đơn vị có điểm thấp nhất là 6,9 điểm.
Khối 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có điểm trung bình là 89 điểm, giảm 2,1 điểm so với năm 2020. Kho bạc Nhà nước tỉnh đạt điểm cao nhất (94,3 điểm); Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đạt điểm thấp nhất (74,7 điểm). Khoảng cách giữa đơn vị đạt điểm cao nhất và đơn vị có điểm thấp nhất là 19,6 điểm.
Ở khối 11 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh lần đầu tiên được đưa vào chấm điểm đánh giá chỉ số CCHC, điểm trung bình đạt 70,2 điểm. Trường Đại học Hạ Long là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng (79,2 điểm); Trường Cao đẳng Việt - Hàn đứng cuối bảng xếp hạng (59,4 điểm). Khoảng cách giữa đơn vị đạt điểm cao nhất và đơn vị có điểm thấp nhất là 19,8 điểm.
Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (SIPAS) năm 2021 đạt 94,4%, cao hơn 0,38% so với năm 2020.
Trong đó, tỷ lệ trung bình đánh giá hài lòng đối với sự phục vụ của khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đạt cao nhất, đạt 96,1%; khối huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ hài lòng trung bình đạt 94,5%; khối sở, ban, ngành có tỷ lệ hài lòng trung bình đạt 93,3%.
Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) của các huyện, thị xã, thành phố năm 2021, điểm trung bình đạt được là 72,7 điểm, đạt giá trị trung bình 90,9%, cao hơn 3,9 điểm so với năm 2020.
Trong đó, có 12/13 địa phương nằm trong nhóm đạt điểm xuất sắc và 1 địa phương nằm trong nhóm đạt điểm tốt. Có 7/8 trục nội dung có điểm trung bình tăng và 1 trục nội dung giảm điểm so với năm 2020. TP Uông Bí là đơn vị đạt điểm cao nhất (75,2 điểm); huyện Cô Tô đạt điểm thấp nhất (69,7 điểm).
Chỉ số mức độ Chính quyền điện tử (ICT) năm 2021, đối với các sở, ban, ngành, điểm trung bình đạt được là 88 điểm, cao hơn 12 điểm so với năm 2020. Đây cũng là điểm trung bình mức độ Chính quyền điện tử đạt được cao nhất từ trước đến nay. Sở Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu trong chỉ số này với 111 điểm.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố, điểm trung bình đạt 138 điểm/190 điểm, đạt 76% so với yêu cầu của Bộ tiêu chí; cao hơn 8 điểm và tăng 5% so với điểm trung bình năm 2020. UBND thành phố Uông Bí đứng ở vị trí đầu tiên với 157,7 điểm.
Đối với đơn vị cấp xã, mức độ Chính quyền điện tử lần đầu tiên đạt mức khá, đạt điểm trung bình 71,3 điểm, tăng 7 điểm so với năm 2020. Phường Hồng Phong (TX Đông Triều) đứng đầu bảng xếp hạng khối này với 90,8 điểm.
Tại hội nghị công bố kết quả xếp hạng các chỉ số, đại diện lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến tham luận, làm rõ nhiều vấn đề, nội dung xung quanh công tác CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và xây dựng Chính quyền điện tử. Trong đó đặc biệt tập trung vào việc phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn trong một số vấn đề, tiêu chí, chỉ tiêu; đề xuất, tham mưu các giải pháp khắc phục và nhiệm vụ để tiếp tục tạo đột phá về các nội dung trong năm 2022 và giai đoạn tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra: “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI”.
Mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh vẫn chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; “giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch của năm 2021. Quý I/2022, tuy dịch COVID-19 trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin mũi cơ bản và mũi tăng cường cao nhất và sớm nhất cả nước, Quảng Ninh vẫn cơ bản kiểm soát tốt tình hình, bảo đảm ổn định đời sống KT-XH, tăng trưởng kinh tế GRDP quý I đạt 8,01%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.470 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Ngành Du lịch bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng sau hơn 2 năm do đại dịch COVID-19 gây ra đang có tín hiệu phục hồi tích cực; khách du lịch trong quý I đạt trên 2,1 triệu lượt, tăng 55,6% so cùng kỳ.
Nhấn mạnh về việc CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nâng cao hiệu quả quản trị cấp huyện luôn được tỉnh xác định là việc làm lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc và dư địa cải cách của tỉnh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy lưu ý bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan những mặt hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân thuộc về chủ quan. Điển hình như: Chất lượng chuyển biến một số thành phần trong CCHC chưa thực sự vững chắc, còn nhiều dư địa, có nơi còn có biểu hiện chững lại, chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được; đánh giá của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước còn một số vấn đề tồn tại; công tác phối hợp trong tháo gỡ các điểm nghẽn, xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết TTHC chưa kịp thời, chưa triệt để, còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, lưu ý một số nội dung trọng tâm, gồm: Các cơ quan, đơn vị, địa phương, trực tiếp là người đứng đầu cần đặc biệt quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, gắn với Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nghiên cứu đổi mới quy trình giải quyết TTHC tại các Trung tâm Hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp xã theo hướng hiện đại hóa, số hóa, tận dụng tối đa tính ưu việt của dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng và dịch vụ bưu chính công ích; tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh đến việc phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Khuyến khích đổi mới, sáng tạo theo tinh thần “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở theo hướng sâu sát, cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ kết quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm…
Cũng tại hội nghị, nhấn mạnh về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh nhanh chóng tổ chức tự kiểm điểm, đánh giá, phân tích, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho các nội dung trong công tác CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và xây dựng Chính quyền điện tử năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của cấp ủy các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, đôn đốc thực hiện các nội dung.
Trong năm 2022, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần bám sát các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Trước mắt là ưu tiên nhanh chóng hoàn thiện việc cập nhật, đồng bộ 25 TTHC thiết yếu theo yêu cầu của Đề án lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Cùng với đó tập trung triển khai thực hiện đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Tập trung vào các nội dung trọng tâm: Đồng bộ hóa, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đặc biệt chú ý đến việc tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa, chuẩn hóa và số hóa hồ sơ dữ liệu TTHC; sử dụng chữ ký số trong gửi nhận và xử lý văn bản điện tử; đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử trên địa bàn toàn tỉnh, trong tất cả các ngành, lĩnh vực; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ ngày 1/6/2022; sử dụng dữ liệu thời gian thực trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm tra, thanh tra, giám sát vừa định kỳ, thường xuyên, vừa đột xuất, không báo trước…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao quyết liệt, tập trung, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trên, quyết tâm hoàn thành mục tiêu “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI” mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.
Nhân dịp này, 34 tập thể, 30 cá nhân có thành tích xuất sắc và đóng góp tích cực vào việc nâng cao chỉ số CCHC, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị, chỉ số sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử đã vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()