Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:40 (GMT +7)
Hội nghị phân tích chuyên sâu và công bố các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI, ICT năm 2022
Thứ 6, 19/05/2023 | 19:49:27 [GMT +7] A A
Chiều 19/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI và công bố kết quả xếp hạng các chỉ số của sở, ngành, địa phương năm 2022. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, dự, chỉ đạo tại hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương toàn tỉnh. Hội nghị được truyền trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường toàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh, với nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, đặc biệt là từ sự đúng đắn trong quyết sách chính trị của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đưa chỉ tiêu giữ vững vị trí đứng đầu 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAR-INDEX, PAPI. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước từ năm 2017 đến nay lập kỷ lục 6 năm liên tiếp đứng đầu chỉ số PCI, 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-INDEX, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI và cũng là tỉnh duy nhất cả nước có 2 năm (2020 và 2022) dẫn đầu ở cả 4 chỉ số: PCI, SIPAS, PAR-INDEX, PAPI.
Dù giữ được thứ hạng, song nhiều chỉ số thành phần lại không có sự cải thiện. Cá biệt, vẫn có nhiều thủ tục của người dân, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều ngành, lĩnh vực cũng thường xuyên giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân như: Công an, Bảo hiểm xã hội, Điện, Nước lại chưa được đưa vào để đánh giá, xếp hạng. Với quan điểm không tự hài lòng với những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nhận diện những mặt tồn tại, hạn chế nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm phát hiện những nhân tố mới, bồi dưỡng điển hình tập thể, cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích chung; đồng thời cũng sẵn sàng thay thế những cán bộ làm không có sản phẩm. Triển khai triệt để Nghị quyết về chuyển đổi số để tạo ra sự thay đổi căn bản về chất lượng phục vụ. Cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, nhất là người đứng đầu phải luôn kiên định, giữ bản lĩnh, giữ nguyên tắc, giữ việc tuân thủ các quy định của pháp luật, đoàn kết, thống nhất, nói đi đôi với làm, để làm tiêu chí phấn đấu theo tinh thần “5 thật - 6 dám”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng, chính đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, vì sự phát triển của tỉnh.
Báo cáo đánh giá chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI, ICT năm 2022 của các cơ quan, đơn vị, địa phương khẳng định, Quảng Ninh luôn kế thừa và phát triển mục tiêu cải cách nền hành chính, đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2022, UBND tỉnh triển khai đánh giá xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (PAR-INDEX) đối với 51 đơn vị, gồm: 20 sở, ban, ngành; 13 địa phương; 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh.
Theo đó, điểm trung bình của 20 sở, ngành đạt 86,89 điểm, giảm 1,65 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 88,54 điểm). Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu bảng xếp hạng đạt 93,99 điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường đứng cuối bảng xếp hạng, đạt 73,07 điểm.
Điểm trung bình của 13/13 UBND cấp huyện đạt 85,39 điểm, giảm 4,08 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 89,47 điểm); cả 13/13 địa phương năm 2022 đều có điểm trung bình giảm. Thành phố Uông Bí là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng, đạt 90,94 điểm; huyện Bình Liêu đứng cuối bảng xếp hạng, đạt 80,98 điểm.
Điểm trung bình của 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đạt 89,98 điểm, tăng 0,95 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 89,03 điểm). Trong đó, Cục Thuế tỉnh là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng, đạt 95,1 điểm; đứng cuối bảng xếp hạng là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đạt 76,26 điểm.
Điểm trung bình của 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh đạt 72,83 điểm, tăng 2,57 điểm so với năm 2021 (năm 2021 đạt 70,26 điểm). Trong đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đạt 81,2 điểm, là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đạt 58,71 điểm, đứng cuối bảng xếp hạng.
Kết quả đánh giá chung Chỉ số SIPAS của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2022 đạt 95,40%, cao hơn so với năm 2021 là 0,96% (năm 2021 là 94,44%). Trong đó, tỷ lệ trung bình hài lòng của khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh là cao nhất đạt 96,41%; khối cấp huyện đạt 95,46%; khối sở, ban, ngành có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất, chỉ đạt 94,62%. Trong 41 cơ quan được đánh giá thì Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là đơn vị có tỷ lệ hài lòng cao nhất, đạt 97,54% và Thanh tra tỉnh có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất với 91,85%.
Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) của các huyện, thị xã, thành phố năm 2022 điểm trung bình đạt 72,96 điểm, đạt giá trị trung bình 91,20%, cao hơn so với năm 2021 là 0,18 điểm (năm 2021 là 72,78 điểm). Trong đó, thành phố Uông Bí là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt được là 75,53 điểm; thị xã Quảng Yên là đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng với số điểm đạt được là 70,02 điểm.
Đối với Chỉ số đánh giá mức độ chính quyền điện tử (ICT), mức độ trung bình đạt được của các sở, ban, ngành đạt được trong năm 2022 là 139 điểm, tăng 11 điểm so với năm 2021. Đây là mức độ trung bình Chính quyền điện tử, Chính quyền số đạt được cao nhất từ trước đến nay. Tồn tại hạn chế lớn nhất đối với cả khối sở, khối huyện và cấp xã là tỷ lệ văn bản ký số trực tiếp bằng chữ ký số cá nhân của các lãnh đạo trên hệ thống còn thấp.
Tại hội nghị, các chuyên gia của Bộ Nội vụ, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cũng đưa ra những phân tích chuyên sâu về các chỉ số và những khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Trong đó, nhấn mạnh, Quảng Ninh đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó cần triển khai ngay các biện pháp để khắc phục.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh, để công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện và phát huy những kết quả đã được, với quan điểm “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc” và không tự chủ quan, tự thỏa mãn, đồng chí yêu cầu các ngành, địa phương phải luôn trăn trở, suy nghĩ, làm gì để giữ vững thương hiệu, hình ảnh Quảng Ninh là một trong những địa phương điển hình trong xây dựng thành công nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hài lòng hơn.
Đồng chí yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương quyết liệt, đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; bám sát vào các chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đặt công tác CCHC và cải thiện các chỉ số là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các sở, ngành, địa phương. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp. Tập trung triển khai nhiệm vụ của chuyển đổi số; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đảm bảo liên tục, thông suốt. Duy trì tốt công tác đối thoại định kỳ với người dân; tiếp tục thực hiện tốt công khai, minh bạch những nội dung người dân quan tâm theo quy định; nâng cao trách nhiệm giải trình với nhân dân.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, nâng cao các bộ chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI, ICT tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đã được nhận bằng khen của UBND tỉnh.
Để nâng cao vai trò, trách nhiệm và thể hiện quyết tâm của các cơ quan đơn vị, địa phương trong việc tiếp tục nỗ lực để duy trì, giữ vững các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, DGI tỉnh Quảng Ninh trong năm 2023 và những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ký cam kết cải thiện, nâng cao các chỉ số.
Nguyễn Thanh - Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()