Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 08:26 (GMT +7)
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Thứ 3, 14/12/2021 | 14:18:25 [GMT +7] A A
Sáng 14/12, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự, chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 202 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh.
Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm triển khai đường lối Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị đánh giá toàn diện những thành tựu của công tác đối ngoại trong 35 năm đổi mới; nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra. Đồng thời, đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới. Hội nghị góp phần tạo ra sự thống nhất trong nhận thức, quán triệt đường lối đối ngoại và thực hiện triển khai đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Qua đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự đồng lòng của người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và ngày nay góp phần to lớn nâng cao vị thế đất nước.
Hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai chủ động, tích cực, ngày càng đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, gắn kết ngày càng chặt chẽ. Nhận thức và tư duy về đối ngoại được nâng cao và không ngừng đổi mới. Cơ chế chính sách về hội nhập quốc tế ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho công tác đối ngoại của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cũng như cho hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài. Các kênh đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ trong tham mưu với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, biện pháp về đối ngoại, hội nhập quốc tế. Hiệu quả hoạt động đối ngoại được nâng lên. Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược được tiến hành chủ động và kịp thời hơn, có chất lượng cao hơn.
Nhìn tổng thể, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, căn cứ vào các điều kiện cụ thể của địa phương, tỉnh Quảng Ninh luôn sáng tạo, chủ động đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tăng cường hội nhập kinh tế và phát triển quan hệ đối ngoại. Hoạt động đối ngoại của tỉnh được tăng cường, mở rộng, kể cả đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền và đối ngoại nhân dân; tích cực mở rộng hợp tác với đối tác mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối tác; xác định đối tác chiến lược, đối tác tiềm năng để chủ động hợp tác; thống nhất, linh hoạt, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế.
Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ đối ngoại với 15 địa phương nước ngoài, có quan hệ kinh tế thương mại với trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ và với nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế. Với vị trí địa lý tiếp giáp, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Trung Quốc. Ghi dấu ấn quan trọng trong quan hệ đối ngoại của tỉnh phải kể đến quan hệ với các địa phương của nước láng giềng Trung Quốc, nhất là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, hai bên đã hợp tác toàn diện ở các cấp, các ngành trên cả bình diện song, đa phương. Tỉnh uỷ Quảng Ninh và Khu uỷ Quảng Tây đã ký kết bản thoả thuận về tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở đảng địa phương và ký biên bản hội đàm giữa Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn với Khu uỷ Quảng Tây. Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh - khu, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực…
Tỉnh đã rất chủ động và chú trọng triển khai cụ thể hóa các nội dung hợp tác, tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với 3 địa phương Bắc Lào góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Bên cạnh đó, quan tâm đẩy mạnh phát triển quan hệ với các địa phương và đối tác tiềm năng, trong đó có các đối tác đến từ các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Séc, Mỹ, các quốc gia vùng Vịnh… Quảng Ninh đã tổ chức các sự kiện văn hoá đối ngoại trên địa bàn như: Carnaval Hạ Long, Hội chợ OCOP, Tuần lễ Du lịch Hạ Long, Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử… Thắng lợi của công tác đối ngoại với chính sách mở cửa và hội nhập đã tạo ra sự bứt phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của miền Bắc, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Công tác đối ngoại đang là động lực mạnh mẽ để phát triển quốc gia, dân tộc. Hội nghị đối ngoại toàn quốc là dịp các cấp, ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước và nước ngoài nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp, ngành trong hoạt động đối ngoại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan, lực lượng đối ngoại phải tiếp tục phối hợp thống nhất, chặt chẽ để xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, phải tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()