Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:31 (GMT +7)
Hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số PAR Index và SIPAS tỉnh Quảng Ninh năm 2021
Thứ 4, 20/07/2022 | 19:15:50 [GMT +7] A A
Ngày 20/7, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh Quảng Ninh năm 2021.
Dự hội nghị, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, địa phương… Hội nghị được truyền trực tuyến tới 13 điểm cầu cấp huyện và 177 điểm cầu xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Chỉ số PAR Index và SIPAS do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố hàng năm được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và đây là những công cụ để tỉnh đánh giá chất lượng và hiệu quả của công tác CCHC, sự hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh. Đây cũng là các chỉ số phản ánh khách quan kết quả hoạt động của các sở, ngành, địa phương. Thông qua đó, nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ công ngày càng hiệu quả hơn, nâng cao sự hài lòng và đảm bảo lợi ích của người dân, tổ chức, góp phần nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Hội nghị phân tích chuyên sâu các chỉ số cũng là dịp để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, nhất là người đứng đầu đánh giá, nhìn nhận, suy ngẫm lại kết quả triển khai các nội dung liên quan tới CCHC thời gian qua, cũng như phân tích, thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan liên quan tới con người, tổ chức, bộ máy, quy trình, công nghệ, từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn nữa các chỉ số thành phần. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2020-2025. Hội nghị được tổ chức không chỉ để Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu nỗ lực giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng các chỉ số mà còn nhằm mục tiêu huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng tối đa tiềm năng thế mạnh, khơi thông các điểm nghẽn, xây dựng nền hành chính tỉnh Quảng Ninh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, với mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của tỉnh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh, công tác CCHC chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, các cơ quan, đơn vị, địa phương, trực tiếp là người đứng đầu cần đặc biệt quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy, gắn với Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh; nghiên cứu đổi mới quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp xã theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm sự tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, nhất là người đứng đầu trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp; không ngừng nâng cao đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ; rèn luyện và thực hành phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, làm quyết liệt, đến cùng và có kết quả, hiệu quả đo lường được, với tinh thần “5 thật”: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách; quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá: Hội nghị phân tích chuyên sâu các chỉ số PAR Index, SIPAS được tổ chức ngày hôm nay đã thể hiện khát vọng và quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh, của các cấp lãnh đạo tỉnh trong công tác cải cách. Chính sự quyết tâm, nỗ lực và khát vọng không ngừng này là yếu tố quan trọng nhất đưa Quảng Ninh không những chinh phục vị trí dẫn đầu các bảng xếp hạng mà còn đạt nhiều thành tựu thực chất trong phát triển KT-XH, xứng đáng là cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Trong thời gian còn lại của năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ mong muốn tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục giữ được sự sáng suốt, nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện; nghiêm túc, thẳng thắn trong phân tích hạn chế, điểm nghẽn và rút kinh nghiệm. Từ đó tạo động lực thi đua, phấn đấu sôi nổi hơn trong công tác CCHC, trong đó thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể của công tác cải cách, thực hiện đúng quan điểm “5 thật”, “6 dám” mà tỉnh đề ra…
Trong khuôn khổ hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã trình bày báo cáo phân tích chuyên sâu các chỉ tiêu, chỉ số thành phần trong Chỉ số PAR Index và SIPAS của tỉnh trong năm 2021; so sánh các chỉ tiêu, lĩnh vực đánh giá của các bộ chỉ số năm 2021 với năm 2020 và giai đoạn 5 năm trước. Từ đó chỉ rõ các tồn tại, hạn chế trong từng nội dung; nguyên nhân gây ra những tồn tại, hạn chế; làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong thực tế triển khai các nội dung cải cách; đề ra rõ ràng giải pháp khắc phục và lộ trình thực hiện trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng đã đưa ra các ý kiến khuyến nghị chi tiết về nhiều nội dung, chỉ tiêu công tác CCHC cho tỉnh Quảng Ninh; gợi mở cho tỉnh nhiều hướng đi, cách làm để tiếp tục CCHC một cách thực chất.
Qua ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, báo cáo phân tích chuyên sâu về các chỉ số của tỉnh và khuyến nghị của Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, các sở, ngành, địa phương đã cam kết thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ CCHC trong thời gian còn lại của năm 2022 và giai đoạn tiếp theo; giữ vững và nâng cao kết quả Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT của tỉnh Quảng Ninh theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu kết luận hội nghị và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh nhấn mạnh, kết quả đánh giá các chỉ số PAR Index, SIPAS của tỉnh Quảng Ninh năm 2022 thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC và đặc biệt là sự hài lòng, niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền và công tác hành chính của tỉnh. Hội nghị phân tích các chỉ số CCHC diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, gợi mở với sự tham gia, thảo luận và phát biểu của các chuyên gia về cải cách hành chính của Bộ Nội vụ, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh với công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới một nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo giá trị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, CCHC là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, cần phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt. Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần bám sát các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 về chỉ tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”; bám sát tinh thần và triển khai có hiệu quả, thực chất Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Đề án đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh, tất cả đều phải gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.
Đồng thời phải thực hiện nghiêm chế độ làm việc của các cơ quan, địa phương, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chất lượng thực thi các chính sách; đổi mới quy trình giải quyết, đơn giản hóa TTHC tại các trung tâm phục vụ hành chính công, khắc phục triệt để tình trạng hồ sơ chậm, quá hạn; chuẩn hóa, số hóa, hiện đại hóa nền hành chính công của tỉnh; làm tốt hơn nữa các nội dung cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, công chức, tài chính công và công tác kiểm tra, giám sát, phản biện, xử lý ý kiến, kiến nghị…
Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp xuất sắc trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh đã vinh dự được tuyên dương, khen thưởng.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()