Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 21:06 (GMT +7)
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024
Thứ 6, 10/05/2024 | 14:35:14 [GMT +7] A A
Sáng 10/5, tại TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tham dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Phòng chống thiên tai, tìm kiến cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai, làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước; động đất tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển…
Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Tại Quảng Ninh, bám sát chỉ đạo của Trung ương và các chỉ đạo của Tỉnh ủy, năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp toàn tỉnh không có thiệt hại về người do thiên tai, thiệt hại về vật chất khoảng 500 triệu đồng, thấp nhất so với các năm trước.
Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp. Tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo vận hành hiệu lực hiệu quả ngay khi Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7; chuẩn bị nguồn lực, nhân lực sẵn sàng ứng phó không để bị động, bất ngờ trước diễn biến thiên tai. Tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương, nhất là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuyển dần từ chủ động ứng phó sang công tác phòng ngừa; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Hồng Việt - Minh Nhật
Liên kết website
Ý kiến ()