Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:25 (GMT +7)
Hội Nông dân tỉnh gắn phổ biến giáo dục pháp luật vào nhiệm vụ chuyên môn
Thứ 6, 05/07/2024 | 14:43:17 [GMT +7] A A
Là thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh tích cực tham gia có hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho hội viên, nhân dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Qua đó, góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước thực hiện phù hợp với thực tiễn, tạo sự đồng thuận xã hội, phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế dân sinh, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL
Các cấp Hội đã áp dụng nhiều hình thức PBGDPL như: Hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi Hội, tổ chức Ngày hội Pháp luật; hình thức sân khấu hóa như hội thi "Nhà nông đua tài" "Hội thi báo cáo viên giỏi".
Phát huy kênh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Quảng Ninh, Báo Nông thôn ngày nay, Cổng thông tin Hội Nông dân tỉnh, bản tin sinh hoạt hội hàng quý (từ năm 2024) với 7.050 tin, bài về công tác tuyên truyền PBGDPL, kinh nghiệm về công tác hòa giải nội bộ, tham gia đối thoại cùng chính quyền, giải quyết KNTC của nông dân…
Hội chủ động phối hợp với Sở Tư pháp triển khai các nhiệm vụ về PBGDPL; thành lập tổ hòa giải cơ sở, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền PBGDPL cho hội viên và nông dân toàn tỉnh. Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức 475 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 12.695 lượt người dân, nội dung tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trên cơ sở kế hoạch phối hợp với Sở trong công tác hòa giải cơ sở, các cấp Hội thường xuyên quan tâm xây dựng và kiện toàn hoạt động của 1.548 tổ hòa giải với sự tham gia của 8.936 hòa giải viên, trong đó có 1.206 hòa giải viên là cán bộ Hội Nông dân (100% các thôn, khu dân cư có chi hội nông dân đều cử cán bộ Hội tham gia tổ hòa giải). Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 22.960 vụ việc hòa giải cơ sở; trong đó, hòa giải thành là 17.990 vụ việc (đạt tỷ lệ 81.5%), hòa giải không thành là 4.956 vụ việc (chiếm tỷ lệ 12,5%). Một số địa phương có vụ việc tiếp nhận hòa giải cao như Hạ Long (2.272 vụ việc), Cẩm Phả (1.971 vụ việc), Uông Bí (1.713 vụ việc); địa phương có tỷ lệ hòa giải thành công cao như Quảng Yên, Ba Chẽ (91%), Tiên Yên (89%)...
Cùng với mạng lưới 152 CLB Nông dân với Pháp luật với trên 7.650 thành viên, đây vừa là mạng lưới tuyên truyền pháp luật, hòa giải viên và là nòng cốt trong công tác tuyên truyền PBGDPL và vận động hội viên, nông dân chấp hành pháp luật đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân kịp thời cho cấp ủy và chính quyền nắm bắt được tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh.
Thông qua hoạt động các mô hình đã đạt được những hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền PBGDPL cho hội viên nông dân, đặc biệt là các văn bản pháp luật liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, ý nghĩa pháp luật trong đời sống hàng ngày; tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân gặp gỡ giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về ý nghĩa pháp luật trong đời sống; đẩy mạnh việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc của hội viên ngay từ cơ sở, góp phần giảm tỷ lệ khiếu kiện vượt cấp.
Ngoài ra, Hội cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền Luật Đất đai, tập huấn, tuyên truyền, đối thoại và tư vấn trực tiếp trong công tác GPMB; tuyên truyền pháp luật tiếp công dân, giải quyết KNTC; tham gia lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ về công tác tiếp công dân, đối thoại giải quyết đơn thư; Luật BHXH, Luật BHYT...
Tăng cường giám sát, phản biện xã hội
Các chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm được xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các nội dung giám sát và phản biện xã hội được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm vào những vấn đề hội viên và nhân dân quan tâm, đặc biệt là các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự nông thôn…
Thông qua hoạt động phản biện xã hội đã góp phần giúp cho cán bộ, hội viên nông dân thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Đường, các cấp Hội đã tham gia góp ý các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn, những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của hội viên, nông dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền cùng cấp để giải quyết; tích cực phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát các hoạt động của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ về nông nghiệp, nông thôn.
Các cấp Hội đã phối hợp tham gia ý kiến, phản biện xã hội vào nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Dự thảo sửa đổi Luật Tố cáo, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật phòng chống tham nhũng, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Hợp tác xã… hay các Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh tại các lĩnh vực như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; chính sách đền bù, tái định cư khi thu hồi đất; Nghị quyết chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Quy định khu vực nội thành không được phép chăn nuôi...
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tốt hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với nông dân, qua đó ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị của hội viên về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận; chỉ đạo Sở, ban, ngành và UBND các địa phương tiếp thu, hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết.; thực hiện có hiệu quả việc phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam với các cấp chính quyền địa phương trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC của nông dân theo Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân.
Với việc đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL, gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên, nhân dân, Hội Nông dân đã phát huy tốt vai trò của mình, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()