Hải Hà là vùng sản xuất chè tập trung lớn nhất của Quảng Ninh, tạo sinh kế ổn định cho 2.000 hộ dân, trên 5.000 lao động. Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2016, vùng chè này đã bước vào một cuộc “khủng hoảng” lớn, sản phẩm chè không tiêu thụ được, diện tích trồng chè suy giảm nghiêm trọng, đời sống người dân bấp bênh… Lúc này chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã thực sự phải thay đổi tư duy, tìm hướng phát triển bền vững hơn cho cây chè.
Lao đao vì mất thị trường tiêu thụ
Đầu năm 2016, Hải Hà đã có tới 980ha diện tích trồng chè, tổng sản lượng búp tươi đạt gần 10.000 tấn/năm, tương đương 1.500 tấn chè khô. Suốt nhiều năm, Đài Loan từng là thị trường tiêu thụ chè khô lớn nhất của vùng chè này, với trên 1.000 tấn khô/năm (đạt 70% tổng sản lượng chè toàn vùng). Đây vốn là thị trường dễ tính, chấp nhận sản phẩm chế biến thô và đặc biệt là yêu cầu về tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp so với các thị trường khác.
Hải Hà là vùng chè rộng lớn. |
“Từ sự dễ dãi này, người dân và doanh nghiệp vùng chè Hải Hà chỉ lo làm sao có nhiều sản lượng để bán cho Đài Loan, mà không chú trọng cho chất lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm cũng như mở rộng các thị trường xuất khẩu khác hoặc tìm hướng nội tiêu” - Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết.
Đến cuối năm 2015, thị trường Đài Loan thắt chặt quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì vùng chè Hải Hà cũng gần như tê liệt hoạt động. Đỉnh điểm, tháng 2/2016, doanh nghiệp Thuấn Quỳnh, đơn vị bao tiêu chè lớn nhất của Hải Hà bị bạn hàng Đài Loan trả về hơn 100 tấn chè khô do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn huyện Hải Hà, thực tế, tỷ lệ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng không là điều không tưởng đối với các vùng chè trồng theo lối truyền thống. Vì đây là tỷ lệ dành cho chè hữu cơ, trồng trong nhà kính. Do vậy, mọi nỗ lực để vào lại thị trường Đài Loan gần như không có.
Cũng từ thời điểm đó, các doanh nghiệp gần như ngừng thu mua, người dân ngừng thu hoạch, tình hình sản xuất, tiêu thụ ngưng trệ, chè thương phẩm tồn đầy kho, chè nguyên liệu để già, hóa gỗ trên cây...
Không ít người trồng chè đã buông xuôi không thu hái hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác, số đông thanh niên vùng chè đi làm công nhân khu công nghiệp Texhong. Vùng chè Hải Hà giảm gần 260ha diện tích, còn 718ha và có nguy cơ tiếp tục giảm nữa nếu không tìm được thị trường tiêu thụ.
“Giải cứu” vùng chè
Ngay khi cây chè bị bạn hàng lớn nhất “quay lưng”, chính quyền, người dân và doanh nghiệp của Hải Hà mới nhìn nhận rõ thực tế rằng, muốn cứu vùng chè, không còn cách nào khác phải thay đổi tư duy sản xuất, lấy chất lượng làm trọng, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường...
Giữa năm 2016, huyện Hải Hà triển khai đề án tổng thể phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao với mục tiêu đề ra rất rõ ràng: Giữ diện tích vùng chè; nâng cao chất lượng sản phẩm chè; thị trường tiêu thụ chè chuyển dần sang hướng nội tiêu.
Huyện đã giải ngân gần 4,5 tỷ đồng để vận động người dân cải tạo giống chè, trong đó làm điểm chuyển đổi 35ha chè giống địa phương sang giống Ngọc Thúy; sản xuất thâm canh, áp dụng cơ giới, quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong các khâu sản xuất, chăm sóc, thu hái chè, trong đó làm điểm 20ha chè VietGAP. Dành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm chè chất lượng, trong đó đã hỗ trợ điểm cho một mô hình gần 500 triệu đồng để cải thiện thiết bị, đồng thời hỗ trợ mẫu mã bao bì, mã số mã vạch cho các sản phẩm chè Hải Hà tham gia chương trình OCOP.
Tháng 5/2018, Hải Hà lần đầu tiên tổ chức Lễ hội chè. Mục đích là quảng bá hình ảnh cây chè, sản phẩm chè để nhiều bạn hàng trong và ngoài nước biến đến hơn.
Đối với các doanh nghiệp, họ tìm cách tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng như Trung Đông, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... và tìm hướng nội tiêu. Ông Trần Sĩ Dũng, chủ cơ sở sản xuất chè Dũng Nga cho biết: Tôi nhiều lần “khăn gói quả mướp” vào tìm hiểu thị trường khu vực miền Trung, đặt vấn đề chào hàng, đưa hàng dùng thử, giao dịch với các đầu mối phân phối chè tại chỗ...
Các doanh nghiệp cũng chủ động cải tiến công nghệ chế biến, bao gói, mẫu mã để có sản phẩm đẹp hơn. Tiêu biểu như doanh nghiệp Thuấn Quỳnh đổi công nghệ sao chè bằng than sang bằng gas. Hay cơ sở Dũng Nga đã đầu tư mới dây chuyền chế biến, bao gói hiện đại, trị giá 1,2 tỷ đồng.
Đáng nói từ những chuyển động của chính quyền và doanh nghiệp đã khiến người trồng chè dần chuyển đổi về tư duy sản xuất, chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng như trước kia, hạn chế sử dụng phân hóa học, thu hái theo quy trình, tiến hành liên kết trong sản xuất. Hiện toàn huyện đã có 3 HTX và 16 tổ hợp tác sản xuất chè với tổng số 200 hộ tham gia.
Từ đầu năm 2017, việc tiêu thụ chè Hải Hà đã có dấu hiệu được cải thiện, các doanh nghiệp đã xuất được số lượng lớn sang các thị trường Nga, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn trước đây hầu như không vào được. Quan trọng hơn, sản phẩm chè Hải Hà đang từng bước có chỗ đứng trong thị trường trong nước. Theo thống kê của huyện Hải Hà, trong năm 2017 toàn huyện cung ứng ra thị trường gần 900 tấn chè khô, trong đó có 30% nội tiêu. Riêng cơ sở Dũng Nga mỗi năm tiêu thụ trên 200 tấn chè khô thì 70% trong đó tiêu thụ trong nước.
Để chè Hải Hà đứng vững trên thị trường
Bà Hà Ngọc Quỳnh, chủ doanh nghiệp Thuấn Quỳnh, chia sẻ: Từ đợt khủng hoảng vừa qua, vùng nguyên liệu chè Hải Hà đã thay đổi hoàn toàn. Đặc biệt, chất lượng cây chè được cải thiện rõ rệt. Đến nay, vùng chè đã có thêm gần 200ha chè Ngọc Thúy, vốn là giống tốt nhất hiện nay, nâng diện tích chè giống mới toàn vùng lên gần 450ha; gần 40ha được cấp chứng nhận VietGAP và hàng trăm ha sản xuất theo hướng VietGAP. Đây chính là cơ sở, điều kiện tiên quyết để có thể chế biến sản phẩm chè cao cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính, mang lại giá trị cao. Quan trọng hơn người trồng chè đã sản xuất theo hướng liên kết, không chỉ giảm chi phí đầu vào để tăng lợi nhuận mà còn tự ràng buộc nhau về chất lượng sản phẩm, từ đó ổn định nguồn nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp chế biến.
Được biết, nếu như trước đây có tình trạng 1 lượng lớn chè thương phẩm Ngọc Thúy của Hải Hà thực chất là chè Đình Lập (Lạng Sơn) thì hiện nay không còn. Riêng sản phẩm chè được chế biến từ vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP đã được bạn hàng chấp nhận giá cao hơn gấp 2-3 lần chè thông thường. Bên cạnh đó sản phẩm chè Hải Hà đã được chương trình OCOP của tỉnh nâng hạng từ 3 lên 4 sao và nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Hiện nay do các thị trường chè Hải Hà đã khá ổn định, nhiều thời điểm cung không đủ cầu. Theo đại diện cơ sở Dũng Nga, trong 1 tháng gần đây cơ sở không có đủ nguyên liệu để chế biến, sản lượng chỉ đạt 6 tấn/ngày, trong khi công suất máy là 14 tấn/ngày. Báo cáo của doanh nghiệp Thuấn Quỳnh cho thấy hiện đơn vị chỉ đảm bảo cung ứng được 50 tấn chè khô/năm theo tiêu chuẩn VietGAP trong khi đó nhu cầu của khách là 150 tấn/năm.
Sự hồi sinh vùng chè đang từng ngày mang lại sinh khí cho gần 2.000 hộ trồng chè trên địa bàn, cho ngành sản xuất nông nghiệp chủ đạo của huyện. Tuy nhiên vùng chè Hải Hà vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, như diện tích chè sản xuất theo hướng VietGAP chiếm phần nhỏ; mới có 10% số hộ trồng chè tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất và việc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài vẫn phải qua trung gian...
Chính bởi vậy, để vùng chè Hải Hà thực sự phát triển bền vững, chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần phải tích cực hơn nữa trong mục tiêu nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, xây dựng và quảng bá hình ảnh sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Việt Hoa
Ý kiến ()