Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:37 (GMT +7)
Hội thảo hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra
Thứ 6, 16/09/2022 | 11:44:18 [GMT +7] A A
Sáng 16/9, tại TP Hạ Long, Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma tuý và tội phạm (UNODC), UBND tỉnh tổ chức hội thảo Hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, chủ trì hội thảo. Các đồng chí: Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Thanh tra đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 118 điều, cụ thể: Chương I - Những quy định chung; Chương II - Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước; Chương III - Thanh tra viên; Chương IV -Hoạt động thanh tra; Chương V - Thực hiện kết luận thanh tra; Chương VI - Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; Chương VII - Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra và Chương VIII - Điều khoản thi hành.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm khẳng định: Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022. Để có thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 tới, việc tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan là rất quan trọng, đảm bảo cho Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội sẽ được thông qua một cách suôn sẻ.
Vì vậy, các đại biểu cần tập trung cho ý kiến vào những nội dung trọng tâm, các ý kiến phải đi từ thực tiễn để đảm bảo Luật sau khi ban hành đi được vào cuộc sống.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Từ góc độ địa phương, Quảng Ninh nhận thấy, việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tiếp tục củng cố hành lang pháp lý quan trọng trong hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình KT-XH, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng.
Tỉnh Quảng Ninh đã rất tích cực trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung của Nhà nước, trong đó có Luật Thanh tra. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đoàn công tác, tổ biên tập của Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Nhiều ý kiến của Quảng Ninh tham gia góp ý đã được Quốc hội xem xét, tiếp nhận trong quy trình thảo luận xây dựng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi những mục tiêu KT-XH đã đề ra, khối lượng công việc đặt ra cho ngành Thanh tra Quảng Ninh là rất lớn.
Vì vậy, Quảng Ninh mong muốn Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho ngành Thanh tra Quảng Ninh tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung tham gia thảo luận, phân tích, góp ý nhiều vấn đề trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) như: Thẩm quyền của thanh tra Bộ đối với những lĩnh vực đã phân cấp; sự cần thiết phải thành lập thanh tra ở cấp Cục; vị trí, chức năng của thanh tra Bộ; trình tự tiến hành thanh tra chuyên ngành…
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, khẳng định: Những ý kiến đóng góp của các đại biểu rất thực tế, gợi mở cho Ban soạn thảo những khía cạnh cần lưu ý, tiếp thu, chỉnh sửa. Vì vậy, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, đảm bảo Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ đạt chất lượng cao nhất.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()