Tất cả chuyên mục

Trong 2 ngày 4 và 5/6, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn và Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội thi Họa mi vàng tỉnh Quảng Ninh năm 2019 với chủ đề “Thiếu nhi Quảng Ninh vang ca tiếng hát ước mơ”. 14 đơn vị cấp huyện với 69 tiết mục dự thi ở các thể loại: Hát, múa, nhảy hiện đại và khiêu vũ thể thao đã mang đến hội thi đều được dàn dựng công phu, sáng tạo, có sự đầu tư cả về cả nội dung, hình thức, chất lượng âm thanh.
Trước thềm đêm chung kết, công diễn và trao giải, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc trao đổi với anh Đỗ Văn Hưởng, Trưởng ban Thanh, thiếu nhi trường học (Tỉnh Đoàn Quảng Ninh), Trưởng Ban Giám khảo Hội thi Họa mi vàng năm 2019.
Anh Đỗ Văn Hưởng, Trưởng Ban Giám khảo Hội thi Họa my Vàng năm 2019. |
- Xin anh cho biết những nét mới của hội thi năm nay so với những lần tổ chức trước đó?
+ Năm 2019, là năm đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai Quyết định số 1515-QĐ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy v/v phê duyệt Đề án “Phát hiện tài năng và bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu một số lĩnh vực cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019 - 2025”. Đây là một trong những Đề án quan trọng khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền dành cho công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong đó việc tìm kiếm tài năng, năng khiếu thông qua hội thi Họa mi vàng chính là một trong những nội dung quan trọng của Đề án.
Do vậy, Hội thi Họa mi vàng năm nay được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng tổ chức từ cơ sở. Trước đó, tại 14 huyện, thị xã, thành phố, đã có hàng nghìn tiết mục với hơn 30.000 thiếu nhi tham gia tạo thành đợt sinh hoạt nghệ thuật sôi nổi trong tháng 5. Các em thiếu nhi mang lời ca, tiếng hát dâng lên Bác Hồ kính yêu nhân dịp kỷ niệm 129 năm sinh nhật Bác và 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Theo anh, hội thi có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển phong trào ca múa của thiếu nhi, học sinh và hoạt động hè đối với thiếu nhi Quảng Ninh?
+ Hội thi Họa mi vàng là một trong những sân chơi rất riêng, đặc sắc, được tổ chức lần đầu tiên từ những năm 80 của thế kỷ XX dành cho những “chú chim sơn ca”, cho thiếu nhi Vùng mỏ anh hùng. Từ đó đến nay, cứ 2 năm một lần, Hội thi được tổ chức với quy mô từ cấp trường đến cấp tỉnh, tạo thành một “làn sóng” nghệ thuật sôi nổi trong toàn tỉnh. Trải qua gần 30 năm tổ chức, với gần 200 hội thi cấp huyện và hàng ngàn hội thi cấp liên đội, hội thi Họa mi vàng đã trở thành hoạt động truyền thống, là sân chơi bổ ích, lành mạnh cho nhiều thế hệ thiếu nhi Quảng Ninh trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ.
Ở sân chơi này, các em thiếu nhi được thể hiện tài năng, năng khiếu cũng như đam mê nghệ thuật của mình. Và những “chú chim sơn ca”, những vũ công nhí ngày hôm nay chính là những sứ giả truyền lửa về phong trào ca múa đến với các bạn thiếu nhi trong toàn tỉnh thông qua hoạt động tại các nhà trường, thôn, khu, làng, bản nơi các em đang sinh sống cũng như hoạt động cộng đồng cùng gia đình, bạn bè và các anh chị cán bộ Đoàn, phụ trách Đội.
Một tiết mục trong phần thi của Đội Họa mi vàng thị xã Đông Triều. |
- Với tư cách là trưởng ban giám khảo, anh nhận xét về chất lượng các tiết mục tham gia hội thi năm nay?
+ Hội thi năm nay, với sự đầu tư, dàn dựng công phu, chuyên nghiệp từ chuyên môn đến hình thức theo từng chủ đề riêng, các em thiếu nhi đã mang đến sự tươi mới, trẻ trung, hấp dẫn cho hội thi cấp tỉnh. Đó là các “chú chim họa mi” đến từ Hạ Long với các tiết mục về biển, về thành phố Hạ Long và quê hương Quảng Ninh xinh đẹp cùng với thông điệp bảo vệ môi trường tự nhiên. Đó là các em thiếu nhi Hải Hà, mang đến hội thi một màu sắc rất đặc trưng của nông thôn mới Quảng Ninh qua các ca khúc, tiết mục về đồng lúa, hạt gạo, người nông dân. Đó là các ''chú sơn ca'' đến từ núi rừng của huyện Ba Chẽ, từ ước mơ về với miền biển Hạ Long xinh đẹp rồi quay trở lại niềm tự hào về quê hương Ba Chẽ yêu thương với đặc sản trà hoa vàng nổi tiếng. Và còn có các em thiếu nhi đến từ Móng Cái, địa đầu Tổ quốc, mang tiếng sóng biển, hình ảnh mái đình làng biển về với các địa phương toàn tỉnh...
Nhìn chung, những tiết mục của các đội mang về dự thi năm nay được các Ban Giám khảo đánh giá khá cao. Nhiều giọng ca có chất giọng đẹp, trong sáng, âm vực của giọng rộng, giọng hát nội lực, cảm thụ âm nhạc tốt. Các tiết mục được các đội dàn dựng công phu, liền mạch, bám sát chủ đề của ban tổ chức quy định như: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh; ca ngợi quê hương, đất nước, thầy cô, tình bạn, mái trường; ca ngợi tình đoàn kết gắn bó các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam và tình đoàn kết bè bạn quốc tế...
Bên cạnh đó, các đội thi cũng đã khéo léo vận dụng thông qua âm nhạc, nghệ thuật để truyền đi thông điệp, quảng bá hình ảnh về cảnh đẹp thiên nhiên, lòng mến khách của con người địa phương, các thế mạnh của địa phương mình.
Một tiết mục trong phần thi của Đội Họa mi vàng thị xã Quảng Yên. |
- Vậy triển vọng phát triển các nhân tố tiêu biểu trong hội thi này để trong tương lai các em có thể vươn lên những sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp như thế nào, thưa anh?
+ Có thể khẳng định, ngày hôm nay nhìn lại, chúng ta tự hào khi thấy rằng, rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng vùng mỏ như các ca sĩ: Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Hoàng Thái, Tuấn Anh, Xuân Hương, Hồng Chinh và gần đây nhất là bé Thu An, quán quân Đồ-rê-mí 2014…, họ đều là những chú “chim sơn ca”, “chim họa mi “đã được phát hiện và trưởng thành từ hội thi. Chính điều này đã tạo ra thương hiệu, nét riêng có của hội thi Họa mi vàng tỉnh Quảng Ninh so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Tôi hy vọng, các em thiếu niên nhi đồng tham gia chương trình Hội thi năm nay, đặc biệt là các em đạt giải sẽ tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước, phát huy tinh thần và khơi dậy tiềm năng ca hát của thiếu nhi Vùng mỏ nói riêng, thiếu nhi cả nước nói chung, sẽ thành danh trên con đường nghệ thuật.
- Trân trọng cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học
[links()]
Ý kiến ()