Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:30 (GMT +7)
Hơn 2,2 tỉ sản phẩm được giao thành công trên sàn Lazada, Shopee, Tiki, TikTok Shop... năm 2023
Thứ 4, 17/01/2024 | 16:10:14 [GMT +7] A A
Năm 2023, sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới như livestream hay bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng thương mại điện tử chuyên nghiệp.
Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2023 và dự báo 2024 được Metric công bố cho thấy thương mại điện tử tiếp tục là gam màu sáng, đã tác động tích cực đến nền kinh tế số, đặc biệt phát huy vai trò đối với phân phối và tiêu dùng nội địa.
2,2 tỉ sản phẩm được giao dịch thành công trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo trong năm ngoái đã đem lại tổng doanh thu 232.200 tỉ đồng, tăng 53,4% so với năm trước.
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng ghi nhận thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã trải qua năm 2023 không hề dễ dàng. Trong năm 2023, có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
Dù xuất hiện thêm hơn 95.000 nhà bán mới trên sàn TikTok Shop khiến thị trường trên các sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 cân bằng lại và giữ được nhịp độ sôi động, nhưng sự đào thải vẫn rất lớn.
Theo ghi nhận, tăng trưởng mạnh của kênh này bắt đầu rõ trong hai quý cuối của năm. Người tiêu dùng không còn thói quen đợi đến cuối năm mới tập trung mua sắm mà giờ đây nhu cầu mua sắm trải đều trong năm. Khoảng thời gian tháng 8 trở đi là thời điểm người tiêu dùng bắt đầu mua sắm mạnh nhất.
Ngành hàng làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ tiếp tục đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng bán ra. Tuy nhiên, ngành thể thao và du lịch mới là ngành có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất, tới 92,1%. Kênh thương mại này cũng chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ của nhóm hàng điện gia dụng, điện thoại và máy tính bảng từ cửa hàng vật lý sang cửa hàng trực tuyến.
Sự phát triển của thương mại điện tử được các chuyên gia đánh giá là nhanh, nhưng vẫn còn nhiều rào cản.
Đầu tiên là mức độ cạnh tranh trên các sàn vô cùng gay gắt khi cùng một loại sản phẩm có tới hàng trăm doanh nghiệp đăng bán.
Thứ hai, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế thương mại điện tử nói chung. Thực tế, tâm lý lên sàn thương mại điện tử chỉ để mua những sản phẩm giá rẻ và không quá quan trọng vẫn còn hằn sâu trong tâm lý của người tiêu dùng.
Cuối cùng, sự phát triển không đồng đều giữa các tỉnh thành cũng khiến nhiều doanh nghiệp địa phương chưa tiếp cận được nền tảng Ecommerce một cách bài bản, chuẩn xác.
Bước sang năm 2024, khi thị phần trên các sàn thương mại điện tử dần được hình thành bởi các thương hiệu lớn thì các doanh nghiệp cần tiếp cận nền tảng này một cách bài bản và có chiến lược hơn. Các mô hình kinh doanh tối ưu, áp dụng công nghệ như AI hoặc Big Data,... sẽ là một trong những giải pháp được sử dụng phổ biến trong thời gian tới.
Metric cũng đưa ra dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024. Theo đó, các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam có thể đạt doanh thu hơn 310.000 tỉ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Mua bán xuyên biên giới tiếp tục là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
Trong khi đó, hình thức bán hàng livestream và bán hàng đa kênh tiếp tục sẽ là trọng tâm nâng cao doanh thu cho nhà bán. Với người tiêu dùng, combo sản phẩm là xu thế ưa chuộng khi mua sắm vì giá cả phải chăng, giúp họ tiết kiệm chi tiêu.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()