Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học và nhiều nhà giáo cho rằng việc hơn 52.000 học sinh "chưa hoàn thành" lớp 1 là bình thường. Số này thực chất, nhằm tránh tình trạng ngồi nhầm lớp.
Năm học qua, cả nước có hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học, trong đó trên 105.700 em bị đánh giá "chưa hoàn thành" lớp học, chiếm gần 1,2% tổng số. Lớp 1 đông nhất với hơn 52.400 em. Môn học mà các em không hoàn thành chủ yếu là Toán (hơn 39.000) và Tiếng Việt (hơn 49.700).
Thông tin được đưa ra trong báo cáo tổng kết năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20-21/7. Báo cáo nhận định "cách đánh giá mới phản ánh thực chất chất lượng giáo dục trên bình diện toàn quốc".
Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, học sinh được đánh giá tất cả môn học bắt buộc. Chỉ một môn chưa hoàn thành, các em đã được tính vào số này. Ngoài ra, trong số học sinh "chưa hoàn thành", hơn 3.600 em diện khuyết tật và trên 16.000 là người dân tộc thiểu số. Nhiều em không được học chương trình mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp 1.
"Đây là hai diện học sinh cần quản lý để giúp các em không ngồi nhầm lớp, đặc biệt là học sinh lớp 1", ông Tài nói.
Ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, nói trong giáo dục luôn có những trường hợp gặp các vấn đề khó khăn trong học tập. Do đó, con số hơn 52.400 em chưa hoàn thành lớp 1 là bình thường.
"So với hơn 1,7 triệu học sinh lớp 1, số đấy không nhiều", ông Thành nhận xét.
Ở cơ sở, ông Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc, cũng cho biết số học sinh ở trường chưa hoàn thành lớp 1 là các em gặp vấn đề về nhận thức. Trường ông Mạnh năm ngoái có 164 học sinh lớp 1, khoảng 3-5 em có dấu hiệu bệnh lý tăng động nhưng phụ huynh có thể chưa phát hiện. Những em có hồ sơ học sinh khuyết tật sẽ được đánh giá theo diện khuyết tật, được xét lên lớp. Còn không thì các em được đánh giá bình thường, nên có thể bị đúp.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên lớp 1 ở Hà Nam, cho biết lớp cô chủ nhiệm năm vừa rồi có hai học sinh lưu ban. Một em chậm nói còn một em có bệnh lý từ khi sinh. Vì phụ huynh có tâm lý ngại ngần khi làm hồ sơ khuyết tật nên các em bị đánh giá như học sinh bình thường.
Tuy nhiên, không phải học sinh nào chưa hoàn thành chương trình cũng bị đúp. Các nhà trường sẽ lên kế hoạch bồi dưỡng cho học sinh trong hè, sau đó mới kiểm tra, đánh giá.
"Sẽ có những em ở lại lớp nhưng không phải tất cả số trên", ông Tài nói.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định hơn 52.400 học sinh chưa hoàn thành lớp 1 không phải do thực hiện chương trình mới. Các năm trước, con số này cũng tương tự.
Theo ông Tài, chương trình mới tạo điều kiện thuận lợi cho lớp 1 khi môn Tiếng Việt từ 350 tiết được tăng lên 420 tiết nhằm chuẩn bị tối đa cho các em về tâm lý và năng lực cần thiết. Trong khi đó, số tiết trung bình vẫn là 25 tiết/tuần như chương trình cũ.
Ông Mạnh cũng đồng tình với ý kiến này. Ông nhìn nhận, khó khăn lớn nhất mà giáo viên và học sinh gặp phải khi theo chương trình mới là sự thích ứng với thay đổi của gia đình, xã hội, thậm chí nhà trường. Chương trình mới đã đi được 3 năm nhưng nhiều thầy cô còn hơi hướng của cách học và dạy cũ.
"Chúng ta đang dạy học theo hướng phát triển năng lực phẩm chất nhưng nhiều gia đình, nhà trường lại rất coi trọng điểm số. Đây chỉ là một kênh rất nhỏ để đánh giá năng lực của học sinh", ông Mạnh nói.
Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) được áp dụng đầu tiên với lớp 1 từ năm học 2020-2021. Chương trình định hướng phát triển học sinh ở 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi. Theo đó, 5 phẩm chất chủ yếu gồm: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. 10 năng lực chung gồm: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.
Theo thông tư 27 về đánh giá học sinh tiểu học, các em được đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt ở 8 môn học bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật và Hoạt động trải nghiệm). Việc này diễn ra thường xuyên bằng nhận xét hoặc bằng điểm số kết hợp với nhận xét của giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần khẳng định việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của các em, giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực và không gây áp lực.
Ý kiến ()