Tất cả chuyên mục

Có lẽ, trong đời sống đô thị tất bật hiện nay, người ta rất hiếm gặp những người hát xẩm. Và nếu có gặp thì không phải ai cũng đều để ý và trân trọng họ. Phải có tấm lòng trắc ẩn thì mới thấy được, cảm được cái điều mà Vũ Xuân Hồng đã lấy đó làm cái tứ cho bài thơ, thậm chí làm điểm tựa cho cả tập thơ: “Chợ nghèo bánh đúc, bánh đa/ Nghe lời xẩm hát diết da nỗi lòng/ Ông già mắt mù dáng còng/ Lời ca rỉ máu chắt trong cõi người” (Xẩm chợ quê).
![]() |
Ông lão mù cất lời ca đâu chỉ vì muốn kêu gọi tình thương của người đời, mà còn muốn gửi gắm biết bao nỗi niềm nhân sinh trong câu hát. Có cả nỗi đau nhân thế được “rót” từ người hát xẩm qua lời ca đi thẳng vào trái tim người nghe, lay động đến mức người nghe cảm nhận được cả tiếng than của những đồng tiền: “Gió hay hạt bụi vô tình/ Lệ rơi khoé mắt, đồng chinh thở dài”. Câu thơ khiến ta mường tượng hình ảnh người nông dân dãi dầu mưa nắng cất lên tiếng vọng của đồng quê xào xạc trước cơn lốc đô thị hoá đang gặm nhấm từng ngày. Cái hồn quê ấy gắn với tuổi hoa niên của tác giả, như những miền cổ tích tươi đẹp: “Lá dâu em thả làm thuyền/ Chở đôi châu chấu về miền cỏ non/ Chân trần níu cỏ lon ton/ Sợ cơn gió cả làm con thuyền chìm…” (Nhớ dòng sông tuổi thơ). Khao khát đi tìm tháng ngày đã mất, nhân vật trữ tình bơ vơ trong không gian nghệ thuật rộng lớn, thời gian nghệ thuật vô cùng. Bởi vậy, hoài vãng là dòng cảm xúc chủ lưu của tập thơ này: “Có gì nhói ở trong tim/ Dòng sông tôi trở lại tìm ngày xưa”. Nhân vật trữ tình trong thơ Vũ Xuân Hồng như chàng trai làng thơ thẩn đầu sông cuối bãi, cả đời đi tìm “kỷ niệm xưa” mà chẳng thể nào nguôi ngoai…
Đọc thơ Vũ Xuân Hồng, không phải ngẫu nhiên khi ta thấy hàng loạt động từ như: “Hỏi”, “hỏi thăm”, “tìm”, “mong”, “níu”, “gọi” v.v.. được sử dụng lặp đi lặp lại một cách có dụng ý; kiểu như: “Hỏi thăm, ông lái đò thưa/ Người con gái ấy mới vừa sang sông/ Thương lắm ngày đi lấy chồng/ Ngoảnh đầu nhìn lại nhớ mong điều gì…”. Dường như có một cái gì đó rất khó gọi thành tên nhưng luôn ám ảnh trong tâm hồn tác giả. Nó là nỗi nhớ tiếc, là cái khát khao tìm một ga tàu để mua tấm vé về với tuổi thơ. Cái khát khao ấy thể hiện qua hàng loạt cụm từ như: “Ta về”, “trở về”, “về làng”, “về quê” v.v.. trong cả tập thơ. Lại nhớ, Heraclit, triết gia vĩ đại người Hy Lạp, từng nói: “Không ai tắm hai lần dưới một dòng sông”. Thì đây, vẫn nội dung đó, Vũ Xuân Hồng đã diễn đạt bằng hình tượng nghệ thuật nhẹ nhàng: “Ta về khoả nước cầu ao/ Hỏi thăm chuồn ớt còn chao nắng vàng/ Ta về nép bóng cổng làng/ Nghe thời gian chảy tím hàng rêu phong/ Ta về chín nhớ mười mong/ Đón người trăm núi ngàn sông trở về” (Ta về). Rõ ràng, có về tắm lại sông xưa thì mọi vật đều biến đổi theo thời gian: “Chạm vào nếp gạch đỏ nâu / Bâng khuâng vẳng khúc sông sâu gọi đò” (Cổng làng).
Trong nhiều hình tượng thơ được Vũ Xuân Hồng xây dựng trong tập thơ này, dòng sông xuất hiện với tần số dày đặc. Ban đầu có thể là dòng sông quê gắn với những chiều đuổi nắng chăn trâu: “Lá dâu em thả làm thuyền/ Chở đôi châu chấu về miền cỏ non”. Nhưng rồi nó không còn là một dòng sông cụ thể có tên tuổi nào mà là dòng sông phổ quát, “mẫu số chung” cho mọi dòng sông. Đó còn là dòng thời gian, dòng đời chảy trôi vô tận. Dù có thế nào đi nữa thì sông trong thơ Vũ Xuân Hồng không khô khan, đậm màu triết lý mà luôn gần gũi thân thương.
Không ai biết đích xác cái “miền cỏ non” ở cuối con sông mà Vũ Xuân Hồng đã viết ở đây cụ thể là gì cả. Tôi đồ rằng, chính người viết cũng không thể giải thích rõ ràng, nói cho hết nghĩa ra được. Nhưng đọc vẫn thích, vẫn yêu bởi nó như một cánh cửa khép hờ giờ đã mở toang ra những liên tưởng thú vị nơi người đọc. Đó có thể là miền cổ tích xa xăm tuổi thơ. Là miền đất hứa đẹp đẽ lý tưởng, sáng trong hay là miền hạnh phúc yêu đương đôi lứa v.v.. Hay là tất cả?
Ngoài sông quê, hồn quê còn thể hiện qua một hình ảnh đậm nét khác; đó là chợ quê. Vũ Xuân Hồng thường viết về chợ quê trong cái cảm nhận nhẹ nhàng, không hề ồn ào eo sèo như cảnh thường thấy: “Chợ làng mở dưới gốc đa/ Người quê bày bán quả cà, mớ rau/ Dăm cơi trầu mấy buồng cau/ Bánh đa bánh đúc đượm màu hồn quê/ Mời nhau điếu thuốc chén chè/ Hỏi thăm gia cảnh phu thê thế nào…” (Chợ quê). Có ra chợ quê mới thấy hết cái vui buồn của người quê. Ra chợ để phát hiện ra rằng, chợ đâu chỉ là nơi bán buôn mà còn là cái cớ để “gửi trao ân tình” đấy chứ.
Đi sâu khai thác cái tình người nơi làng quê là một trong những thế mạnh của thơ Vũ Xuân Hồng. Vì thế thơ Vũ Xuân Hồng mượt mà như lời hát ru đau đáu với hồn quê và tình quê. Không yêu quê, không nhớ quê, không gắn bó sâu nặng với người quê thì khó mà viết được như vậy. Dùng lời quê để đưa thơ đến với người, lắng lại cùng người, Vũ Xuân Hồng chỉ mong một điều nhỏ nhoi thôi là người ta nghe được “Hồn quê đọng lại trong lời hát rong”…
Phạm Học
Ý kiến ()