Báo cáo đầu tiên trong năm nay của HSBC đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn thời gian tới, với tăng trưởng GDP 2024 có thể đạt 6%, cao hơn mức 5,05% của 2023.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dịch vụ là hai yếu tố đóng góp vào triển vọng kinh tế năm 2024. Theo HSBC, dòng vốn FDI giúp năng lực sản xuất gia tăng và mang lại cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu.
Năm ngoái, vốn FDI đăng ký và thực hiện đạt cao nhất từ trước đến nay, lần lượt 36,6 tỷ USD và 23,2 tỷ USD. Riêng vốn ngoại đầu tư mới cao nhất 4 năm, đạt khoảng 5% GDP, phần lớn rót vào sản xuất điện tử - lĩnh vực Việt Nam được đánh giá là "ngôi sao đang lên".
"Đây cũng là lĩnh vực có dòng vốn FDI đa dạng hơn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu", HSBC nhận xét.
Ngoài điện tử, các nhà đầu tư quan tâm rót vốn vào tiêu dùng của Việt Nam. Với mức tăng trưởng hơn 7% vào quý IV/2023, ngành dịch vụ này tiếp tục mang lại sự trợ lực cần thiết cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh phát triển tích cực, Việt Nam hướng đến thu hút 18 triệu du khách năm 2024, tăng so với mức 12,6 triệu năm ngoái,
"Năm 2023, du lịch đã có bước phục hồi đáng kể và năm nay hứa hẹn những đỉnh cao hơn nữa", ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành nền tảng dịch vụ du lịch trực tuyến Klook Việt Nam, đánh giá hôm 10/1. Năm ngoái, công ty này chứng kiến phân khúc Inbound (khách nước ngoài đến) tăng trưởng 4 lần.
Tuy nhiên, theo chuyên gia HSBC, nền kinh tế cũng đối diện những rủi ro về thương mại, lạm phát cần nhà chức trách theo dõi và có kịch bản ứng phó.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 356 tỷ USD, giảm 4,4% so với 2022. Bộ Công Thương năm nay đặt mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 6%, tương đương 377 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo HSBC, tín hiệu phục hồi xuất khẩu chưa diễn ra trên diện rộng, mà chủ yếu do chu kỳ công nghệ tươi sáng hơn. Vì thế, chuyên gia của ngân hàng này giữ quan điểm dự báo thận trọng về mức độ hồi phục của xuất khẩu năm nay.
Về lạm phát, HSBC đưa ra dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn mục tiêu 4-4,5%. Xu hướng giảm lạm phát diễn ra trên diện rộng, nhưng áp lực giá vẫn chưa hoàn toàn mất. Rủi ro tăng lạm phát do năng lượng, thực phẩm và tăng một số dịch vụ, như y tế, vẫn còn.
Từ đầu năm nay, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD). Tại báo cáo đưa ra gần đây, VinaCapital cũng đánh giá thuế tối thiểu toàn cầu không hạn chế vốn FDI vào Việt Nam.
Thuế không phải yếu tố duy nhất quyết định rót vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC cũng lưu ý việc "cần theo dõi chặt chẽ cách quản lý nguồn ngân sách bổ sung từ thuế, cũng như những phương pháp đi kèm hoặc ưu đãi khác nhằm bù đắp cho mức thuế tăng lên, báo cáo của HSBC nêu.
Ngân hàng này cũng khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện các chỉ số về hạ tầng, lao động và cải thiện môi trường kinh doanh... để tăng sức hút với các nhà đầu tư.
Ý kiến ()