Tất cả chuyên mục

LTS. Trên chuyên mục "Trao đổi" số QNCT ngày 18-4-2010, có đăng bài: "Sinh thời Trần Quốc Tảng có ở Cửa Ông như nhiều người vẫn nghĩ hay không?" của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Trong bài viết của mình, nhà thơ đã đưa ra những quan điểm, có thể nói là "trái chiều", về nguồn gốc, xuất xứ ngôi đền Cửa Ông...
Sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được bài viết của ông Nguyễn Thanh Sỹ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Ông Thanh Sỹ là một trong những người làm công tác nghiên cứu lịch sử có tên tuổi ở Quảng Ninh. để rộng đường dư luận, QNCT xin đăng toàn bộ bài viết này để bạn đọc tham khảo...
Trong tín ngưỡng của người Việt bao đời nay, việc thờ phụng nói chung và lập đền thờ nói riêng là một việc hệ trọng và thiêng liêng đối với gia tộc, dòng họ, cộng đồng. Nhân vật được lập đền thờ là nhân vật có công trạng to lớn với dân với nước, được người đời khâm phục, ngợi ca. Đền thờ thường được lập ra một trong hai nơi: hoặc ở quê quán người có công trạng hoặc nơi người có công trạng lập chiến tích, cũng có trường hợp lập ở hai nơi. Những nhân vật thực sự đặc biệt như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn còn có đền thờ vọng (Đền thờ không nằm trong hai địa điểm nói trên). Dưới chế độ phong kiến, việc lập đền thờ nhân thần và thần linh phải được Nhà nước cho phép và hàng năm được vua ban sắc phong thần đền. Như vậy việc lập một đền thờ là công việc của cả một gia tộc, dòng họ, cộng đồng và Nhà nước, với một quy trình khá chặt chẽ rất khó có trường hợp nhầm lẫn. Đền thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông cũng được xây dựng và tồn tại theo qui trình và hoàn cảnh đó.
Muốn nghiên cứu, thẩm định giá trị lịch sử một ngôi đền, một nhân thần thờ trong một ngôi đền nào đó, người ta thường căn cứ vào ngọc phả, hoành phi, câu đối, kiến trúc điêu khắc và các nguồn sử liệu khác ẩn chứa trong văn hoá vật thể và phi vật thể của ngôi đền. Sử chính thống của chế độ phong kiến nói chung hầu như chỉ viết về hoạt động của cá nhân vua chúa, những vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước không được chép đầy đủ hoặc chép qua loa, sơ sài. Đến như trận thắng lừng lẫy Vân Đồn - Cửa Lục tháng 2-1288 và Đại thắng Bạch Đằng 4-1288 cũng chỉ được chép có mấy dòng trong Đại Việt sử ký toàn thư. Dĩ nhiên lịch sử đền miếu và các nhân thần không được các bộ sử chính thống chép hoặc chép sơ lược. Do đó việc tìm hiểu hoặc thẩm định những vấn đề lịch sử liên quan đến đền, miếu mà chỉ dựa vào một bộ chính sử nào đó dưới thời phong kiến là không tránh khỏi thiếu sót, sai lầm. Đó chính là trường hợp của Nhà thơ Trần Nhuận Minh trong bài viết đăng trên QNCT số ra ngày 18-4-2010, nhan đề ''Sinh thời, Trần Quốc Tảng có ở Cửa Ông như nhiều người vẫn nghĩ hay không?''. Trong bài viết này, Nhà thơ chỉ dựa vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư để viết về Trần Quốc Tảng và đền Cửa Ông, một bộ sử ''hoàn toàn không ghi Trần Quốc Tảng ở đâu, từ khi sinh đến khi mất'' (Bài đã dẫn) nên sai lầm là điều dễ hiểu...
1. Trần Quốc Tảng hai lần được Hưng Đạo Vương và vua Trần cử ra Cửa Suốt trấn giữ và có thời gian ở tại Cửa Suốt.
Sai lầm đầu tiên của nhà thơ Trần Nhuận Minh là do không có sử liệu trong tay đã vội kết luận ''Sinh thời Trần Quốc Tảng không ở Cửa Ông, không hề biết Cửa ông là đâu”. Lịch sử đã chứng minh rằng, sinh thời Trần Quốc Tảng không chỉ biết Cửa Ông mà còn gắn bó với Cửa Ông trong một thời gian qua hai lần ông được Trần Hưng Đạo và vua Trần cử ra Cửa Suốt trấn giữ.
Cửa Suốt dưới thời Trần bao gồm toàn bộ phần đất liền thuộc châu Cẩm Phả thời đầu thực dân Pháp thống trị mà Cửa Ông là một địa điểm nằm trong Cửa Suốt. Từ xưa con đường bộ đi qua Cửa Suốt là con đường độc đạo ra biên giới phía đông bắc và ngược lại. Cửa Suốt như cái yết hầu nối miền đông với miền Tây của tỉnh. Các cuộc chinh phạt, các cuộc điều binh của các triều đại phong kiến ra miền biên giới đông bắc đều đi qua Cửa Suốt. Dưới triều Lê và triều Nguyễn, Nhà nước phong kiến đã lập một đồn canh phòng ở Cửa Suốt gồm 30 lính và một suất đội. (Theo Đại Nam nhất thống chí, quyển XVIII). Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba, vùng duyên hải đông bắc từ Móng Cái đến Hải Phòng đã có thuỷ quân Trần, do Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư cầm đầu, phòng thủ, thì trên bộ, một vùng chiến lược, từ Cửa Suốt ra miền biên giới đông bắc, không thể để trống trận địa. Thuỷ quân của Trần Khánh Dư không thể cùng đồng thời vừa phòng thủ trên biển vừa phòng thủ trên bộ. Nhiệm vụ quan yếu đó Trần Hưng Đạo và vua Trần đã giao cho võ tướng tài danh Trần Quốc Tảng. Ông ra Cửa Suốt trấn giữ với tư cách là một võ tướng cầm đầu một đạo quân chứ không phải một người lính đồn trú. Tuy vậy, ngoài việc đi thị sát vùng biên cương đông bắc hay về triều tấu trình, ông vẫn dành thời gian chủ yếu ở tại Cửa Suốt trong đại bản doanh của mình.
Ông được cử ra Cửa Suốt lần đầu tiên trong khoảng thời gian từ sau năm 1285, khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai thắng lợi, đến năm 1287, khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba sắp bắt đầu. Cuốn Trần triều thế phả hành trạng biên soạn dưới thời Nguyễn cho ta biết hoàn cảnh Trần Quốc Tảng lần đầu ra Cửa Suốt như sau: Khi An Sinh Vương Trần Liễu sắp mất, cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăng trối rằng: ''Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ (ý nói đoạt ngôi vua Trần) thì cha chết không nhắm mắt''. Đến khi trở thành Quốc công tiết chế, Tổng chỉ huy quân đội, nắm toàn quyền quân sự tối cao, Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn hỏi ý kiến các tướng tá tâm phúc là Yết Kiêu, Dã Tượng và con trai trưởng là Hưng Vũ Vương. Lời can ngăn của ba người làm ông đẹp lòng. Một lần khác Trần Quốc Tuấn lại đem câu trăng trối của cha, hỏi con trai thứ là Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng bèn nói: Thái Tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận cũng được thiên hạ''. Quốc Tuấn công cho rằng con trai tính ưa cương dũng ấy (tức Trần Quốc Tảng) không theo đúng đạo làm con, bèn nổi giận lôi đình đày ra cửa bể Suất Ti tuần, thuộc phủ Hải Ninh, lộ An Bang. ''Đày'' là ''đày'' làm phép, nhưng trong sâu kín, phụ thân ông ngầm giao cho ông một nhiệm vụ quân sự thật quan trọng là trấn giữ miền biên cương đông bắc (trên bộ), đóng đại bản doanh tại Cửa Suốt. Theo cuốn Trần triều hiển thánh chính kinh tập biên biên soạn năm Thành Thái (1900), vị trí cửa bể Suất Ti tuần (tức Cửa Suốt) được xác định như sau: ''Cửa Suốt cách châu Tiên Yên 48 dặm về phía tây - nam, phía nam là núi đá, phía bắæc kề bãi cát, từ đây đi ngược lên là châu Khe Lâm và bãi cát Cẩm Phả, trên bãi cát có đồn, phía Bắc đồn gọi là Vườn Nhãn, xưa Nhà Lê dùng chỗ này để đày những tù phạm phải tội lưu cận châu, cách tỉnh hai ngày đường thuỷ''. Rõ ràng Cửa Suất Ti tuần (Cửa Suốt) mà Trần Quốc Tảng được cử ra trấn giữ không phải cửa bể Quảng Yên hay một cửa bể nào khác mà chính là khu vực Cẩm Phả - Cửa Ông ngày nay.
Lần thứ hai, Trần Quốc Tảng được vua Trần giao trọng trách tiếp tục trấn giữ Cửa Suốt là sau đại thắng Bạch Đằng năm 1288. Trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288, Trần Quốc Tảng vâng mệnh thân phụ ông mang một đạo quân đồn trú ở xã Trúc Châu, huyện Thanh Lâm, tục truyền là xứ Vườn Nhãn (thuộc phường Cẩm Phú ngày nay), vượt sông Cửa Lục tiến đánh cánh quân bộ Nguyên Mông do Trịnh Bằng Phi cầm đầu, đi áp tải đạo thuỷ quân của Ô-Mã-Nhi rút lui qua sông Bạch Đằng. Khi cánh quân của Trịnh Bằng Phi đến Đông Triều thì bị quân Trần Quốc Tảng chặn đánh quyết liệt, buộc phải quay lui về Vạn Kiếp, hội quân với Thoát Hoan rút chạy bằng đường bộ về nước, để mặc đạo thuỷ quân Ô-Mã-Nhi hở sườn. Tục truyền rằng khi Quốc Tảng đưa quân ra giữa Cửa Lục, ông muốn hút thuốc. Quân lính lấy đoạn tre tươi làm ống điếu đem đến cho ông. Ông giận quá vứt đoạn tre ra giữa sông. Đoạn tre trôi ngược dòng sông và tấp vào bờ. Tự nhiên ở đấy sau mọc thành vườn tre và mắt tre đều mọc ngược. Khi trận Bạch Đằng diễn ra, Trần Quốc Tảng hợp lực với đại quân của Hưng Đạo Vương, bao vây, tiến công và diệt gọn tàn quân thuỷ Ô-Mã-Nhi tháo chạy lên bán đảo Hà Nam, hòng thoát thân. Chiến dịch Bạch Đằng kết thúc, Hưng Nhượng Vương về triều báo công, được vua Trần khen thưởng và phong làm Suất Ti-tuần Đại An, được cử ra Cửa Suốt tiếp tục trấn giữ.
Như vậy, lần đầu bị ''tội'' mà Trần Quốc Tảng bị cha ''đày'' ra Cửa Suốt. Lần thứ hai lập công lớn, ông được vua Trần cử ra Cửa Suốt tiếp tục trấn giữ. Tại một địa bàn Cửa Suốt, Trần Quốc Tảng hai lần ra trấn giữ trong hai hoàn cảnh, hai tư thế khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một, được giao trọng trách trấn giữ một địa bàn xung yếu.
Trong kỳ bình công khen thưởng của vua Trần vào cuối năm 1288, sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba kết thúc thắng lợi, Trần Quốc Tảng được phong tước Tiết độ sứ.
Như vậy, tên tuổi và vinh quang của Trần Quốc Tảng trong khoảng thời gian từ năm 1285-1288 gắn liền với vùng đất Cửa Suốt, được người dân Cửa Suốt cũng như cả vùng Đông Bắc yêu mến, kính trọng, ngưỡng mộ.
2. Đền Cửa Ông thờ Trần Quốc Tảng không phải là “thờ nhầm” hay thờ vọng.
Từ sự phủ định sự có mặt hiển nhiên của Trần Quốc Tảng ở Cửa Suốt, nhà thơ Trần Nhuận Minh mắc thêm một sai lầm không thể chấp nhận, là cho rằng đền Cửa Ông thờ Trần Quốc Tảng là một việc làm tuỳ tiện, là ''thờ nhầm''. Nhà thơ viết: ''Chúng ta đều biết, đầu thế kỷ XX, miếu Hoàng Tiết chế ở Cửa Ông được phá đi xây lại trên địa điểm hiện nay và gọi là đền Cửa Ông. Sau khi xây xong, tiền nhân đã đưa Trần Quốc Tảng vào thờ ở đây cùng với Hoàng Tiết chế là Hoàng Cần” (T.S nhấn mạnh). Những điều mà nhà thơ đã viết trên đây vừa không đúng với sự thật lịch sử vừa đụng chạm đến ý thức tâm linh của nhiều thế hệ người dân Cửa Suốt, nay là Cửa Ông.
Sử sách không ghi rõ là sau Đại thắng Bạch Đằng năm 1288, Trần Quốc Tảng ra trấn giữ Cửa Suốt thêm được bao lâu, nhưng trong thời gian này, ông cũng thường phụng mệnh vua đi công cán những miền biên ải khác của đất nước, như Bài ca dặm đò của người dân đi biển vùng Đông Bắc, đã truyền tụng: Mấy phen giáp mã truy chùy/ Đã bình Phạm đảng lại đi phạt Sầm. Dưới thời vua Trần Anh Tông (là con rể của Trần Quốc Tảng), Trần Quốc Tảng được phong tước hiệu Hưng Nhượng Đại Vương, trở thành trụ cột của triều đình, có thể ông không còn trấn giữ Cửa Suốt. Tuy vậy ông vẫn dành thời gian đến vùng Đông Bắc để thị sát tình hình.
Trong một lần như thế, ông đã gặp nạn trên biển và qua đời vào ngày 16 tháng 8 năm 1311. Sử cũ chép lại, sau khi ông qua đời, hoá thành một phiến đá và một chiếc mũ đá, trôi đến bờ sông xã Trúc Châu, huyện Thanh Lâm, là nơi ông từng đóng đại bản doanh. Đêm hôm đó ông đã báo mộng cho dân chúng trong vùng, rằng: ''Ta là gia tướng Nhà Trần, nay số đã hết lại trở về nơi đóng đồn cũ giữ yên dân nước''. Dân làm lễ đón mũ đá về lập miếu thờ và làm biểu dâng lên vua. Vua chuẩn y việc lập miếu thờ và phong thần cho Trần Quốc Tảng là Thượng đẳng Phúc thần, cấp 800 quan tiền công hàng năm cúng tế vào bậc Nhà nước. Như vậy khởi thủy đền Cửa Ông là đền thờ Trần Quốc Tảng được lập ngay sau ngày ông qua đời, ngày 16-8-1311, tại xã Trúc Châu, huyện Thanh Lâm, tục truyền là xứ Vườn Nhãn, tức phường Cẩm Phú, thuộc thị xã Cẩm Phả ngày nay, mà không phải là miếu thờ Hoàng Cần như Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã viết. Hoàng Cần không phải là danh tướng đời Trần cùng thời với Trần Quốc Tảng. Trong sử sách biên soạn dưới thời Trần cũng như trong hệ thống thờ nhân thần đời Trần trong đền Cửa Ông hiện nay không có ai là Hoàng Cần. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, bộ sử chính thống dưới triều Nguyễn, Hoàng Cần người gốc Tiên Yên, có công chiêu mộ trai tráng trong vùng nổi lên dẹp giặc ''Răng trắng miệng vàng'' (giặc phỉ), đem lại cuộc sống thanh bình cho người dân vùng Đông Bắc. Sử sách không ghi rõ là vào thời nào, nhưng chúng tôi suy đoán là có thể vào thời Lê Mạt, là thời kỳ ở vùng Đông Bắc, phỉ nổi lên hoành hành cướp phá. Khi Hoàng Cần qua đời, dân trong vùng lập miếu thờ, vua ban sắc phong thần là Khâm sai Thái bảo xuyên Quốc công. Vị trí miếu thờ Hoàng Cần, theo sách Đồng Kháng dư địa chí, biên soạn năm 1886 là tại xã Cẩm Phả, nhưng không nói cụ thể địa điểm nào.
Đầu thế kỷ XX, khi Cửa Ông trở thành khu công nghiệp than và thương mại, dân cư đông đúc, nhu cầu tâm linh ngày càng lớn, miếu thờ Trần Quốc Tảng ở phường Cẩm Phú được chuyển về Cửa Ông và được xây cất khang trang tại vị trí hiện nay. Chắc hẳn người dân Cửa Suốt nói chung, Cửa Ông nói riêng, có đủ ý thức tâm linh để không làm cái việc thất đức là phá bỏ miếu thờ Hoàng Cần, một nhân thần có công trạng, xây lại, rồi tuỳ tiện đưa Trần Quốc Tảng vào thờ như nhà thơ trần Nhuận Minh đã viết. Đền Cửa Ông là ngôi đền duy nhất ở nước ta thờ Trần Quốc Tảng, nơi ông đã đóng đại bản doanh một thời gian dài, nên không thể nói là đền thờ vọng.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh lại viết, sở dĩ có đền thờ Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông vào đầu thế kỷ XX là vì ''Trần Tung lẫn sang Trần Quốc Tảng vì thế dân gian nói Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông''. (Bài đã dẫn). Trần Quốc Tảng ở Cửa Suốt không chỉ dân gian nói, ngợi ca (Bài ca dặm đò), mà lịch sử đã chứng minh rõ ràng như phần 1 bài viết này đã trình bày. Còn Trần Tung có lẫn sang Trần Quốc Tảng không? Sử sách đã ghi chép, trong khoảng thời gian từ năm 1285 đến năm 1288, chỉ có Trần Quốc Tảng trấn giữ Cửa Suốt mà không có Trần Tung. Chả nhẽ một người không có mặt, người dân Cửa Suốt chắc không biết Trần Tung là ai mà lại lẫn với Trần Quốc Tảng đã từng sống, gắn bó với cuộc đời và sinh mệnh của họ? Mỗi người có một cuộc đời và sự nghiệp riêng. Nếu lẫn thì chỉ có thể lẫn hình dáng, gương mặt, giọng nói, không thể lẫn cuộc đời và sự nghiệp. Một trong năm câu đối dâng vào đền Cửa Ông do Giáo sư Đỗ Văn Hỷ sưu tầm và dịch đã nói lên cuộc đời và sự nghiệp của vị chủ thần thờ trong đền như sau: Bạch Đằng hộ chiến công lương tướng uy danh lừng đất Bắc/ Hải Đông lưu linh tích anh hùng tâm sự đối Nam thiên. Dịch là: Giúp chiến thắng Bạch Đằng tướng giỏi uy danh lừng đất Bắc/ Để dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự giải trời Nam. Trong Bài ca dặm đò lưu truyền bao đời nay trên vùng biển đông bắc, cũng có đoạn nói về cuộc đời và sự nghiệp của vị chủ thần thờ trong đền Cửa ông: Đời Trần thị mở mang Nam Hải/ Đức đệ tam dòng dõi Kim chi/ Mấy phen giáp mã truy chùy/ Đã bình Phạm đảng lại đi phạt Sầm/ Phong Đại Vương an tâm thần chức/ Lại đem câu yến dực ra bàn/ Nghĩ rằng hiếu đạo chu toàn/ Nào ngờ phải bước tiếng oan ở đời. Danh tướng nào thời Trần vừa ''giúp chiến thắng Bạch Đằng'' vừa để ''dấu thiêng Đông Hải'', được phong tước Đại Vương, lại mang trong lòng tâm sự chỉ có thể giải bày với trời Nam, danh tướng đó không ai khác ngoài Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng.
Ý kiến (0)