Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 20/12/2024 08:09 (GMT +7)
Hướng mới cho du lịch biển đảo Cô Tô
Thứ 7, 18/02/2012 | 04:56:45 [GMT +7] A A
Ngày 5-4-2011, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 457/QĐ-BKH-ĐT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng biển đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Đây là bản quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cả vùng biển đảo Cô Tô; nhất là với lĩnh vực du lịch.
Một góc Cô Tô. Ảnh: Cẩm Nang |
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, kinh tế - xã hội của huyện đảo Cô Tô có sự đổi thay nhanh chóng, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt ở mức cao. Nếu như năm 2005 là 11,5% thì đến năm 2011, đạt trên 14%. Năm 2005 có 1.000 lượt khách du lịch, đến năm 2011 đã tăng lên gần 10.000 lượt khách. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 13,95% (năm 2005) xuống còn 3,1% (năm 2011). Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, văn hoá xã hội được đầu tư trên địa bàn huyện đảo đã phát huy tác dụng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, trong số đó phải kể đến Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ được khởi công xây dựng năm 2008, với tổng giá trị đầu tư gần 470 tỉ đồng, đã hoàn thành hạng mục bến cập tàu và đê chắn sóng từ cuối năm 2011, đặt nền tảng cho ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần tại huyện đảo và đáp ứng mơ ước bao đời nay của ngư dân về nơi tránh, trú bão an toàn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt ở mức cao. Nếu như năm 2005 là 11,5% thì đến năm 2011, đạt trên 14%. Năm 2005 có 1.000 lượt khách du lịch, đến năm 2011 đã tăng lên gần 10.000 lượt khách. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 13,95% (năm 2005) xuống còn 3,1% (năm 2011). |
Bản quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng biển đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đã xác định: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững vùng biển đảo Cô Tô để sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn, chậm phát triển hiện nay, tiến tới xây dựng Cô Tô thành một vùng đảo có kinh tế năng động, một trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Chiến lược biển cả nước nói chung; đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Trong đó, giai đoạn đầu chủ yếu phát triển thuỷ sản, sau chuyển dần sang du lịch - dịch vụ, nhất là dịch vụ biển và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”. Chỉ nói riêng về ngành du lịch, Cô Tô được xác định sẽ phát triển thành Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia gắn với Khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp Vân Đồn; đưa Cô Tô trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà - Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái - Trà Cổ với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí cả trên biển và trên các đảo.
Từ “cẩm nang” này, Cô Tô đang nỗ lực giải quyết các vấn đề như: Điện, nước, phương tiện giao thông, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch... UBND huyện đang chỉ đạo tiến hành nâng cấp hệ thống điện diezen khu vực trung tâm huyện và 2 xã Đồng Tiến, Thanh Lân để mùa hè này sẽ phát điện từ 22 đến 24 giờ/ngày, thay cho việc phát điện từ 6 đến 12 tiếng như giai đoạn hiện nay. Điện chiếu sáng khu vực trung tâm huyện được thay thế bằng hệ thống pin năng lượng mặt trời và đang triển khai đến khu vực nông thôn, tất cả các đường làng, ngõ xóm. Đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, Cô Tô đã được tỉnh cho chủ trường đầu tư đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng việc xây dựng hệ thống cáp ngầm qua biển với tổng giá trị đầu tư hơn 300 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cùng nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Khắc phục khó khăn về nước sinh hoạt, huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa Trường Xuân quy mô 170.000m3, rút ngắn thời gian thi công từ 2 năm xuống 1 năm, đưa vào sử dụng cùng hệ thống cung cấp nước sạch đến từng hộ dân và phục vụ du lịch vào cuối năm 2012; chuẩn bị tiến hành xây dựng nhà máy nước tại thị trấn Cô Tô với công suất 500 - 600m3/ngày, đêm; tiến tới nâng lên 1.000 - 1.200m3/ngày, đêm; xây dựng thêm một số hồ chứa nước trên đảo Cô Tô, Thanh Lân, đảo Trần. Đáng nói nữa là huyện đã chủ trương tập trung phát triển các đội tàu cao tốc chất lượng cao vận tải hành khách để rút ngắn khoảng cách giữa đảo với đất liền từ 3 đến 4 giờ di chuyển trước đây xuống còn 1,5 đến 2 giờ hiện nay và còn 1 giờ vào giữa năm 2012; phát huy khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với quy mô 415 tàu, công suất 600CV đã được đầu tư xây dựng; nâng cấp, xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường xuyên đảo, đường nhánh trên đảo; về lâu dài sẽ đề nghị đầu tư xây dựng một sân bay trực thăng tại trung tâm đảo Cô Tô. Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức quy hoạch chi tiết một số khu du lịch trọng điểm trên các đảo; tổ chức xúc tiến đầu tư du lịch để kêu gọi đầu tư và thu hút khách du lịch theo hướng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, thể thao, vui chơi giải trí đi đôi với việc phát triển du lịch cộng đồng, phát triển hình thức khách du lịch trải nghiệm cuộc sống và tham gia đánh bắt hải sản cùng nhân dân. Huyện cũng đang đầu tư và chuẩn bị hoàn chỉnh hệ thống internet không dây miễn phí trên địa bàn toàn huyện đảo…
Với những hướng đi được hoạch định rõ ràng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, chắc chắn du lịch của Cô Tô sẽ khởi sắc, vùng biển đảo Cô Tô sẽ giàu mạnh, vững vàng trên tuyến đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô
Liên kết website
Ý kiến ()