Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 17:17 (GMT +7)
Hướng tới nền kinh tế xanh bền vững
Thứ 3, 11/06/2024 | 07:34:03 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đã từng là địa phương có nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác than đối mặt với nhiều áp lực trong công tác môi trường. Song bằng tư duy đổi mới, những nỗ lực không ngừng nghỉ, kiên trì với việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đã từng bước nằm trong nhóm địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Quảng Ninh có nhiều hoạt động công nghiệp với nguồn phát thải ra môi trường lớn. Là đơn vị đóng vai trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hơn ai hết, TKV nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu phát thải, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, bảo vệ môi trường. TKV đã dành hàng nghìn tỷ đồng hoàn thành nhiều công trình, giải pháp, dự án bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên sử dụng trong sản xuất, nghiên cứu lựa chọn các công nghệ khai thác, chế biến, sàng tuyển theo hướng đồng bộ hóa các khâu; đầu tư các thiết bị vận chuyển hiện đại giảm phát thải ra môi trường; xây dựng các trạm xử lý nước thải mỏ; từng bước hoàn thành các mục tiêu “Đưa công viên vào trong mỏ nhà máy”; trồng cây xanh phủ xanh tại các khu vực kết thúc khai thác, đổ thải và dọc các tuyến đường vận tải…
Thực hiện chủ trương của tỉnh và TKV, các đơn vị đã áp dụng triệt để các giải pháp bảo vệ môi trường. Có thể kể đến như: Công ty Kho vận Đá bạc –TKV đầu tư dự án hệ thống sân bãi, bê tông, thoát nước và hồ môi trường khu vực cảng Điền Công, trồng gần 30.000 cây phi lao, keo, triển khai các hạng mục dự án hiện đại hóa cảng Điền Công…; Công ty Tuyển than Cửa Ông thực hiện Đề án cải tạo cảnh quan môi trường Nhà máy tuyển và cảng Cửa Ông, sắp xếp mặt bằng sản xuất khu vực cảng chính Cửa Ông tại Phân xưởng Kho bến 2, trồng cây xanh trong mặt bằng các nhà máy tuyển than…
Bên cạnh hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than, toàn tỉnh hiện có 6 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, 5 dự án hạ tầng CCN với nhiều nhà đầu tư thứ cấp đi vào sản xuất. Đến nay, các KCN đều đã xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung, gồm 15 mô đun, tổng công suất xử lý 71.400m3/ngày đêm; hoàn thành lắp đặt quan trắc môi trường tự động kết nối, truyền dữ liệu về Sở TN&MT quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ 24/24h; 100% dự án hạ tầng KCN đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước mưa tách riêng với thu gom, thoát nước thải.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long cho biết: Trong quá trình triển khai dự án đầu tư tại Quảng Ninh, chúng tôi luôn chú trọng trong việc bảo vệ môi trường vừa là từng bước thực hiện mục tiêu phát triển KCN sinh thái, vừa là thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự phát triển bền vững của tỉnh và địa phương. Chúng tôi đã sớm đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung và hệ thống tuyến ống thu gom với tổng công suất 16.000m3. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất nhà máy xử lý nước thải lên 20.000m3 trong quý 4/2024. Cùng với đó, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành đầu tư hệ thống cây xanh trên phần diện tích được giao. Đặc biệt, Công ty thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, bền vững.
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, cùng với Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, Công ty CP Xi măng Hạ Long là đơn vị được cấp phép phân loại, sử dụng phế thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên liệu đốt lò trong sản xuất xi măng tại nhà máy, giảm thiểu các bãi chôn lấp chất thải TP Hạ Long và các địa phương trong tỉnh, từ đó, từng bước đầu tư vào công nghệ Hotdics (công nghệ sử dụng lò phản ứng theo phương pháp nhiên liệu thay thế).
Nỗ lực của địa phương
Với những nỗ lực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đầu tháng 5 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các doanh nghiệp, người dân vinh danh là tỉnh dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên, Quảng Ninh đứng đầu bộ chỉ số danh giá này sau 1 năm chính thức VCCI tổ chức công bố. Việc đứng đầu cả nước về PGI là sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực của Quảng Ninh trong công tác bảo vệ môi trường. Chỉ số này là đánh giá khách quan của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Bởi bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh trên cơ sở các chỉ số thành phần gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, thúc đẩy thực hành xanh, chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Đây là năm thứ 2 VCCI triển khai, công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh, tiếp nối phiên bản thử nghiệm được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 4/2023.
Năm 2023, Quảng Ninh có Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) cao nhất cả nước với tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là 26 điểm, với các điểm thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (7,41 điểm); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (6,18 điểm); vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh (6,68 điểm); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (5,73 điểm). Đáng chú ý, 4/4 chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2022.
Nhằm thực hiện rõ ràng quyết tâm của tỉnh trong việc phát triển kinh tế một cách bền vững, Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu cả nước về PGI, hướng tới mục tiêu tăng dần tổng điểm qua từng năm. Trong đó, năm 2024, tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 26 lên 30 điểm, ưu tiên tập trung cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 2 chỉ số thành phần là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu.
Do đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường; hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục nhận thức về quản lý, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Qua theo dõi cho thấy, Quảng Ninh xứng đáng với vị trí dẫn đầu PGI bởi đã có sự quyết tâm, quyết liệt và mạnh mẽ trong việc ứng xử với môi trường. Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, xây dựng, vận hành, song tránh tạo gánh nặng cho doanh nghiệp; chú trọng thu hút các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm, xây dựng các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư ở địa phương với trọng tâm là sàng lọc; phổ biến thông tin hiệu quả tới cộng đồng doanh nghiệp các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Quan trọng nhất, Quảng Ninh cần tổ chức triển khai bộ chỉ số tới từng đơn vị có liên quan, gắn với trách nhiệm vụ thể người đứng đầu. Đây cũng là động lực để Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường, nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững.
Hạ An-Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()