Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:16 (GMT +7)
Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Thứ 4, 12/06/2024 | 15:18:49 [GMT +7] A A
Ngày 27/7/2020 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân (HND) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW về “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025”. Hiện thực hoá mục tiêu này, bằng nhiều giải pháp, tỉnh Quảng Ninh đã được khuyến khích, hỗ trợ các nông dân, nông hộ, các cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia các mô hình kinh tế tập thể. Đây được coi là giải pháp quan trọng góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh Quảng Ninh.
Huy động nguồn lực tập thể
Đầu tháng 6 vừa qua, anh Phạm Văn Bình chính thức gắn biển HTX nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) Bình Kiên tại xã Tiền Phong (TX Quảng Yên) do anh làm giám đốc. Là HTX mới được thành lập, quy mô sản xuất chưa phải đã lớn mạnh, nhưng tinh thần của anh Phạm Văn Bình và 6 xã viên cùng góp vốn với anh rất phấn khởi, tin tưởng vào sự phát triển của HTX.
Gắn bó với nghề NTTS, tuy nhiên lâu nay mô hình sản xuất của anh Bình chỉ mang tính riêng lẻ, chưa có sự kết nối. Xác định cần phải tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất bền vững, anh Bình đã phối kết hợp với 6 chủ đầm để hoàn thiện các thủ tục thành lập HTX. Hiện nay HTX NTTS Bình Kiên có hơn chục ha ao đầm nuôi thả tôm sú, cua biển, cá và hàu cửa sông. Công nghệ nuôi thiên về tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên ở các vùng cửa sông biển, có bổ sung một lượng nhỏ thức ăn tươi hoặc thức ăn công nghiệp, qua đó đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Vào mỗi vụ thả nuôi hoặc thu hoạch, các thành viên HTX còn cung ứng một số dịch vụ vật tư NTTS và bao tiêu sản phẩm thuỷ sản trong vùng. Hướng phát triển này đã và đang mang lại lợi thế phát triển cho HTX.
Giống như anh Bình, anh Trịnh Xuân Dương ở phường Kim Sơn (TX Đông Triều) cũng tập hợp một số hộ để thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng cây dược liệu Kim Sơn. Hiện nay, trên cơ sở phát triển mô hình trồng cây cát sâm do anh Dương khởi xướng đã có thêm 5 thành viên khác góp vốn. Mặc dù mới trồng trong hơn 1 năm qua, song đến nay vườn cát sâm Kim Sơn với trên 1.000 gốc đang phát triển tươi tốt, cây hợp đất, khoẻ mạnh, nhiều cây đã ra hoa, kết trái và hiện đang vào giai đoạn tạo củ.
Anh Trịnh Xuân Dương cho biết: Cát sâm là loại dược liệu cho thu củ, thời gian thu hoạch khoảng 3-5 năm sau khi trồng. Trong quá trình phát triển, có thể tận dụng nguồn thu từ hoa cát sâm để lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời quả cát sâm có thể tận dụng để nhân giống, qua đó mở rộng vườn cát sâm. Mô hình cát sâm đã được triển khai thành công ở nhiều nơi, mang lại giá trị rất cao cho người nông dân. Đối với đồng đất Đông Triều, mô hình cát sâm của THT trồng cây dược liệu Kim Sơn là mô hình đầu tiên, đang được đánh giá có tiềm năng phát triển tốt.
Đối với CLB nông dân Bình Dương phát triển dịch vụ nông nghiệp tại TX Đông Triều, các mô hình sản xuất chính của đơn vị đang triển khai là trồng ớt Hàn Quốc, ngô ngọt, nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch, nuôi lươn trong bể bạt không bùn. Đây là mô hình CLB nông dân được TX Đông Triều đặt nhiều kỳ vọng bởi sự năng động của mỗi xã viên, đã chủ động, sáng tạo trong các mô hình sản xuất, đặc biệt là việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thực tế.
Riêng mô hình nuôi lươn trong bể bạt không bùn của đơn vị là kỹ thuật nuôi lươn sạch, đảm bảo an toàn sinh học. Người nuôi chủ động tạo các giá thể để lươn trú ngụ, tự động thay nước theo lập trình, đảm bảo môi trường sống của lươn luôn sạch sẽ. Nguồn thức ăn của lươn là dạng viên nén nổi, đảm bảo về dinh dưỡng và liều lượng, tránh tình trạng thức ăn dư thừa. Từ quy trình này sản phẩm lươn thương phẩm phát triển khoẻ mạnh, chất lượng thịt thơm ngon, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tiền đề để sản xuất lớn
Có thể thấy rất nhiều mô hình kinh tế tập thể là CLB nông dân, THT, HTX đã và đang hoạt động có chất lượng, hiệu quả, các thành viên liên kết chặt chẽ trong sản xuất, giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn. Nhiều CLB, THT, HTX xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển KT-XH của các địa phương, tạo việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân.
Điểm chung của các mô hình kinh tế tập thể CLB, THT, HTX là đã chú trọng phát triển và huy động nguồn vốn góp của thành viên, hoạt động liên kết được mở rộng. Thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, cải thiện đời sống người nông dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Sự hỗ trợ của các cấp HND là động lực để các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể phát triển.
Để đạt kết quả trong việc phát triển các mô hình CLB, HTX, THT, tổ liên kết sản xuất, tổ hội nghề nghiệp… thời gian qua, các đơn vị chức năng đã sớm tập trung chỉ đạo, triển khai tích cực các hoạt động tư vấn, hướng dẫn thành lập, định hướng hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể; chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kinh tế tập thể, HTX cho nông dân; chủ động hỗ trợ các HTX, THT, các CLB, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất.
Riêng HND tỉnh đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tín dụng trên địa bàn để nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ nhóm tín chấp vay vốn, tạo nguồn lực về vốn cho các mô hình HTX, THT phát triển sản xuất. Với nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân do HND quản lý đã được ưu tiên giải ngân cho các hộ là thành viên tham gia các mô hình liên kết sản xuất. Đến nay tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 100 tỷ đồng, tăng đến hơn 20% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng ủy thác qua các ngân hàng đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Việc HND các cấp đẩy mạnh phát triển các CLB, THT, HTX khiến cho các mô hình này lớn mạnh. Hiện toàn tỉnh đang có 435 CLB nông dân với 9.833 thành viên, trong đó chủ yếu là các CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, CLB nông dân với khoa học kỹ thuật, CLB nông dân với chuyển đổi số… Những CLB này là tiền đề quan trọng tiến tới thành lập các HTX, THT, các Chi hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết tháng 5 vừa qua, toàn tỉnh có trên 650 HTX, 146 THT. Các CLB, THT, HTX đã và đang góp phần tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, vào việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xoá nghèo, tiến lên làm giàu ở các vùng nông thôn.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()