Tất cả chuyên mục

Nghèo khó, tan hoang, xơ xác; rồi cả hình ảnh người mẹ già 84 tuổi mắt mờ, chân chậm vẫn phải dò dẫm bưng từng chậu nước nhỏ để phục vụ người con trai bị di chứng thần kinh sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc là những gì mà chúng tôi đã tận mắt chứng kiến khi đến thăm các gia đình nạn nhân của các vụ TNGT. Thật xót xa, đắng lòng!...
Khi thiếu vắng “trụ cột”
Ngôi nhà của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Mùi nằm cuối một con ngõ nhỏ thưa thớt dân cư của khu Bí Giàng, phường Yên Thanh, TP Uông Bí. Trong bộ quần áo bảo hộ bạc màu, trông chị Mùi càng gầy, bé, khắc khổ, nước da xám sạm của người có bệnh. Mặc dù anh Trần Văn Chương - chồng chị, đã mất trong vụ TNGT cách đây hơn 1 năm nhưng khi chúng tôi hỏi thăm, chị vẫn nghẹn ngào, mắt ngấn lệ. Chị kể: “Hôm ấy, đến lượt ông nhà tôi về xóm bên trông mẹ già. Chưa ra khỏi ngõ thì chiếc ô tô lao đến đâm vào ông ấy. Lúc còn sống, tuy là thương binh nhưng ông ấy là lao động chính trong gia đình vì sức khoẻ tôi yếu, cứ trở trời lại bị đau các khớp chân, khớp tay. Còn cháu nhà tôi, năm nay học lớp 6, bị bệnh tim nên thỉnh thoảng lại ngất”.
![]() |
Các đồng chí đại diện Ban ATGT tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh, Báo Quảng Ninh, Sở GD-ĐT thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân Bùi Văn Y, phường Phương Nam (TP Uông Bí). |
Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị chỉ có một chiếc tủ ly cũ kỹ, một manh chiếu trải giữa nhà. Và càng trở nên cô quạnh vì thiếu vắng người đàn ông. Mảnh vườn trước nhà đất đai cằn cỗi chỉ có vài cây rau lay lắt mọc lẫn trong đám cỏ dại. Khu đầm cạnh đó cũng bỏ không do không có người trông coi. Theo một cán bộ phường Yên Thanh, hiện chị Mùi không có công ăn việc làm ổn định. Cạnh nhà có cơ sở sản xuất gạch nung, thỉnh thoảng ông chủ lò gạch lại gọi chị ấy bốc vài vạn gạch để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng cũng chỉ đủ qua ngày.
Ở TP Uông Bí, đến phường Phương Đông, chúng tôi lại thêm lần nữa xót xa, đắng lòng trước hoàn cảnh của gia đình anh Bùi Văn Y. Trong vụ va chạm giữa 2 xe máy xảy ra năm 2010, anh Y bị chấn thương vùng đầu. Sau gần 1 năm, hao tổn biết bao tiền của, anh Y mới giành giật được sự sống, sức khoẻ dần hồi phục. Tuy nhiên, anh lại trở thành người ngớ ngẩn, không thể tự chăm sóc bản thân. Đã vậy, vợ anh bị ung thư mất sớm, để lại 3 người con; trong đó, người con trai đầu bị thiểu năng trí tuệ và bại liệt. Mọi sự lo toan, chăm sóc cho con, cháu đều đổ dồn lên đôi vai bà Nguyễn Thị Thu - mẹ anh Y khi bà đã ở tuổi “gần đất xa trời”. Bà Thu nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi còn sống được ngày nào thì cố giúp bố con nó. Nhưng sợ nhất là tôi không còn sống được bao lâu nữa… Các cô, chú nói gì thì nói to lên, chứ giờ tôi nặng tai chẳng nghe thấy gì cả”. Nhìn người mẹ già 84 tuổi dò dẫm bưng từng chậu nước cho con, cháu rửa tay, rửa mặt. Rồi bà lại lụi cụi nhóm bếp đun nước, nấu cơm, băm rau, chăn lợn…, chúng tôi ai nấy đều nghèn nghẹn trong cổ. Tuy mẹ con, bà cháu bà Thu đã được Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ 1 ngôi nhà mới kiên cố, vững chãi nhưng anh Y nhất quyết không cho phá dỡ ngôi nhà cũ mà để anh và người con trai tàn tật ở. Cơn bão số 14 vừa qua đã khiến phần mái trước của ngôi nhà có nguy cơ bị đổ sập.
Để vợi bớt nỗi đau...
Những trường hợp chúng tôi kể trên chỉ là 2 trong số bốn trường hợp nạn nhân và gia đình nạn nhân TNGT mà Ban ATGT tỉnh, các cơ quan thành viên của Ban ATGT tỉnh là Uỷ ban MTTQ tỉnh, Báo Quảng Ninh và Sở GD-ĐT đi thăm hỏi, động viên tặng quà nhân Ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT hôm 14-11. Đến thăm gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Tùng, phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả), trong Đoàn chúng tôi ai cũng chạnh lòng, xót xa khi biết, trong ngày xảy ra vụ tai nạn thảm khốc ấy, không chỉ mình anh Tùng tử vong mà còn có cả bố vợ và cậu con trai của anh vừa lên 7 tuổi. Trong lúc ấy, vợ anh đang mang thai đứa con thứ 2. Vụ tai nạn đã để lại sự mất mát và nỗi đau quá lớn cho người goá phụ trẻ và đứa con thơ chưa một lần được nhìn mặt bố. Tấm ảnh cậu bé với khuôn mặt khôi ngô, xinh xắn, đôi mắt đen tròn mở to ngơ ngác đặt ở một góc trên ban thờ cứ ám ảnh chúng tôi suốt dọc đường về… Nếu mỗi nạn nhân TNGT để lại những nỗi đau, mất mát và những gánh nặng to lớn như những trường hợp chúng tôi vừa kể trên thì liệu rằng, con số thống kê chưa đầy đủ của Uỷ ban ATGT Quốc gia, trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 30 người tử vong vì TNGT, nỗi đau và gánh nặng sẽ là bao nhiêu? Chắc chắn không thể kể hết và không thể lấp đầy.
Bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam chính thức tham gia triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT. Ngày này được tổ chức vào Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm. Năm nay, ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 là ngày 17-11-2013. Để động viên chia sẻ với những nạn nhân TNGT; đồng thời, để nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về vấn nạn TNGT, ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT được tổ chức với rất nhiều hoạt động, từ tổ chức đoàn thăm hỏi, chia sẻ đến lễ cầu siêu cho các nạn nhân; tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh các trường học… Ở Quảng Ninh, tuy năm nay không tổ chức riêng Lễ cầu siêu cho các nạn nhân mà chỉ tham gia Lễ cầu siêu chung của cả nước nhưng Ban ATGT tỉnh vẫn tổ chức Đoàn đi thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình nạn nhân TNGT với mức 2 triệu đồng/gia đình. Ngoài ra, Báo Quảng Ninh cũng trích từ Quỹ xã hội từ thiện để hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu đồng. “Xét về vật chất, số tiền này không lớn nhưng lại có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đối với các trường hợp gia đình khó khăn, với những hoàn cảnh không may khi gặp TNGT. Qua đây, chúng tôi cũng tuyên truyền, động viên các gia đình, bên cạnh việc khắc phục khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống thì mỗi người hãy là những tuyên truyền viên cho mọi người trong gia đình, cộng đồng và xã hội về những hậu quả do TNGT để lại. Từ đó, mọi người cùng có ý thức, trách nhiệm trong tham gia giao thông, vì hạnh phúc của chính mình, người thân và xã hội” - Đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh khẳng định.
Cẩm Nang
Ý kiến ()