Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:25 (GMT +7)
Gia tăng nguồn lực đầu tư cho vùng miền núi, hải đảo
Thứ 4, 15/11/2023 | 12:28:12 [GMT +7] A A
Vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chủ yếu rơi vào khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh. Chính vì thế, Quảng Ninh luôn xác định phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sự phát triển của tỉnh và thành công trong thực hiện nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Những công trình động lực của vùng khó
Để chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh, Quảng Ninh triển khai đầu tư xây dựng và thực hiện gắn biển cho 48 công trình, gồm 12 công trình cấp tỉnh và 36 công trình cấp huyện. Đó là những công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn... được đầu tư xây dựng nhằm góp phần tạo diện mạo mới đồng bộ, hiện đại; từng bước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đặc biệt, phần lớn các công trình chào mừng 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh đều được triển khai thực hiện ở địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Điển hình như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh - giai đoạn 2; Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu); Nhà văn hóa xã Đại Dực, gắn với Trung tâm văn hóa dân tộc Sán Chi, huyện Tiên Yên; Xây dựng đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên; Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành (cũ), huyện Tiên Yên; Hệ thống trạm xử lý nước sạch hồ chứa nước Khe Mười phục vụ nước sinh hoạt các xã Đồn Đạc và cụm công nghiệp Nam Sơn, Ba Chẽ; Cải tạo đường nối QL 18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ; Nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ ĐT330 - ĐT342 - Đồng Dằm (xã Đạp Thanh) - Khe Nà (xã Thanh Sơn) - Lang Cang (xã Đồn Đạc), huyện Ba Chẽ; Đường giao thông thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô…
Những công trình này được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, kéo gần miền núi, vùng cao, hải đảo với miền xuôi, khu vực thành thị. Anh Hoàng Văn Tân, thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên chia sẻ: “Công trình đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ được xây dựng đã giúp người dân trong xã đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Trước đây, cung đường này nhiều cua, dốc cao nguy hiểm, dài chừng 20 cây số. Nhưng với tuyến đường mới, chúng tôi chỉ đi mất 7km thôi. Có đường mới, chúng tôi sẽ có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, lưu thông an toàn. Những sản vật địa phương có thể thuận tiện để thông thương, buôn bán nên người dân có cơ hội để giảm nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình”.
Chỉ trong năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; thực hiện sửa chữa Quốc lộ 18C đoạn Đồng Văn - Bắc Phong Sinh tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao năng lực khai thác tuyến đường, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối cửa khẩu Hoành Mô - Bắc Phong Sinh. Đồng thời, giao Sở Giao thông Vận tải lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai 6 dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tại các địa phương.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025 (trong đó xác định mục tiêu ưu tiên cho các xã thuộc vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, nhất là các xã vừa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020). Đến năm 2023, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2023, trong đó phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. UBND tỉnh cũng phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế tỉnh Quảng Ninh năm 2023 (giai đoạn 1), với tổng kinh phí thực hiện là 245 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn phát triển hạ tầng viễn thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, văn hóa, hỗ trợ nhà ở... góp phần cải thiện và nâng cao rõ rệt chất lượng đời sống nhân dân ở các vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Huy động mọi nguồn lực chăm lo cho nhân dân
Vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh gồm có 67/177 xã, phường, thị trấn. Đồng bào DTTS chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, cư trú ở trên 85% diện tích của tỉnh, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia; trên địa bàn tỉnh có gần 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chỉ thị, nghị quyết, giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, bố trí nguồn lực lớn để tập trung thúc đẩy phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện thành công Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (Đề án 196) trước một năm so với kế hoạch. Tuy nhiên, tình hình KT-XH vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Khoảng cách về thu nhập, trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội so với các vùng, miền khác còn chênh lệch khá lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, thoát nghèo chưa bền vững. Trước tình hình đó, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XV, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, đã huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt là tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Điển hình là HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021, trong đó xác định Ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình theo phân cấp ngân sách nhà nước. Tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.665,0 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện: 1.500 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác: 200 tỷ đồng; ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 Quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tổng ngân sách tỉnh bố trí trực tiếp cho Chương trình và Nghị quyết số 06-NQ/TU giai đoạn 2021-2023 là 2.902,751 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp huyện đã bố trí thực hiện Chương trình và Nghị quyết số 06-NQ/TU giai đoạn 2021 -2023 là 1.796,022 tỷ đồng.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tập trung nguồn vốn các Ngân hàng cho vay tại các xã thuộc phạm vi Chương trình và Nghị quyết số 06-NQ/TU để phát triển sản xuất, tạo việc làm. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách tín dụng tại địa bàn 65 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến 30/7/2023 dư nợ cho vay tại các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là 4.284,9 tỷ đồng (bình quân là 65,92 tỷ đồng/xã), cao hơn 1,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn địa bàn; với 32.446 khách hàng còn dư nợ, đạt mức dư nợ bình quân 132 triệu đồng/khách hàng.
Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cũng đã huy động các nguồn lực, ưu tiên bố trí vốn tín dụng chính sách triển khai cho vay tại vùng đồng bào DTTS, miền núi biên giới, hải đảo, trong giai đoạn 2021-2023 đã triển khai cho 18.502 lượt khách hàng vay số tiền 1.203,1 tỷ đồng, đến 30/6/2023 tổng dư nợ 1.662,1 tỷ đồng với 36.170 khách hàng vay còn dư nợ; bình quân dư nợ 25,6 tỷ đồng/xã, cao hơn 1,2 tỷ đồng/xã của toàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh đã sử dụng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân 78,451 tỷ đồng cho 154 dự án mới với 1.146 hộ vay; dư nợ cho vay đạt 78,185 tỷ đồng với 1.238 hộ vay qua 191 dự án.
Song song với đó, Quảng Ninh cũng huy động xã hội hóa từ các tập thể, cá nhân để hỗ trợ cho người dân vùng DTTS, miền núi, hải đảo. Năm 2021, Ủy ban MTTQ các cấp, các Hội và đoàn thể đã vận động huy động nguồn lực xã hội và trích nguồn Quỹ Vì người nghèo tổ chức trao tặng 28.863 suất quà Tết với số kinh phí trên 14,9 tỷ đồng; triển khai xây mới, sửa chữa 281 nhà với tổng số tiền trên 11,326 tỷ đồng; trích số tiền 95 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh thông qua Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là thành viên các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phát triển sản xuất. Năm 2022: Quỹ cấp tỉnh đã tiếp nhận được số tiền ủng hộ hơn 617 triệu đồng; chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai đồng loạt huy động 100% nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động chăm lo, thăm tặng 210.421 suất quà Tết Nguyên đán Nhâm Dần với tổng số tiền và hiện vật trị giá 99.750,94 triệu đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh (lần đầu tiên đề xuất không sử dụng tiền ngân sách).
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết: Bên cạnh những hoạt động thăm, tặng quà, năm 2023, các cấp, các ngành đã tập trung huy động nguồn lực xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã hoàn thành hỗ trợ 66 hộ thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi còn ở nhà tạm, nhà ở dột nát, từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhiều cá nhân, đơn vị cũng thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực. Trong 2 năm (2021-2022), số hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh giảm từ 1.056 hộ xuống còn 170 hộ, trong đó số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 957 hộ xuống còn 155 hộ.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng, thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nước sinh hoạt, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất đối với địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, duy trì thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách, các hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS tại miền núi, hải đảo.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()