Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:36 (GMT +7)
Kỷ niệm 23 năm Ngày toàn dân PCCC 4/10 (2001-2024) Huy động sức mạnh tổng lực trong PCCC
Thứ 6, 04/10/2024 | 13:51:12 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, dưới sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ban, ngành và các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Phong trào Toàn dân PCCC&CNCH gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Những kết quả nổi bật
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 180 vụ cháy, làm 2 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 41,3 tỷ đồng. Theo đánh giá của Công an tỉnh, tình hình cháy, nổ đã được kiềm chế, có xu hướng giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương qua các năm; tuy nhiên, thiệt hại về tài sản do cháy gây ra lại có xu hướng ngược lại. Cháy xảy ra chủ yếu tại địa bàn thành thị; nguyên nhân chủ yếu do sự cố về điện.
Để hạn chế thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra, lãnh đạo các cấp, ban, ngành đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, nhiều cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả và huy động được sự chung tay, chung sức, cống hiến, đóng góp của các lực lượng, các đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến với thiên tai, hỏa hoạn, sự cố, tai nạn.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND, ngày 27/8/2021 quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy (số 27/2001/QH10) có hiệu lực. Đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, tạo hành lang pháp lý xử lý dứt điểm các cơ sở được xây dựng trước luật, không bảo đảm yêu cầu về PCCC.
Từ đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đồng thời tiến hành đưa nội dung quy hoạch hạ tầng về PCCC gắn với quy hoạch phát triển KT-XH của ngành, lĩnh vực, địa phương. Trong đó, chú trọng từng bước triển khai xây dựng mạng lưới đơn vị Cảnh sát PCCC, hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy, CNCH trong tình hình mới.
Công tác tuyên truyền cũng đã tập trung đổi mới về nội dung, đa đạng về hình thức, bảo đảm vừa có chiều rộng, vừa chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu, bằng các giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, ngành và nhân dân đối với công tác PCCC&CNCH.
Lực lượng công an tổ chức 6 chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH cho người dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của gần 35.000 người, góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân về công tác PCCC. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã đồng loạt tổ chức hội thi “Tổ liên gia an toàn PCCC”, thu hút nhiều hộ gia đình tham gia. Ngoài ra, lực lượng công an cũng đã phát động và tổ chức có hiệu quả chương trình tuyên truyền vận động nhân dân “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Ông Lê Phước Yên, Tổ trưởng tổ 84, khu 5, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, cho biết: Là người dân, chúng tôi nhận thấy công tác PCCC của tỉnh rất được coi trọng. Mặc dù chưa có đám cháy nào lớn, nhưng công tác phòng ngừa vẫn luôn được triển khai bài bản, không lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn PCCC trong khu dân cư. Ở khu phố chúng tôi, cán bộ công an xuống tận từng khu phố để hướng dẫn nhân dân nâng cao hiểu biết, kỹ năng PCCC. Chúng tôi cũng cùng các đồng chí đi kiểm tra từng gia đình, vận động nhân dân, mỗi nhà tự trang bị cho mình bình chữa cháy. Chúng tôi cũng rất tin tưởng vào sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự hướng dẫn của lực lượng công an, và sẽ thực hiện các biện pháp một cách chủ động để giảm thiểu tối đa cháy nổ xảy ra.
Để đảm bảo yếu tố chủ động, các lực lượng chức năng đã hiệp đồng chặt chẽ trong công tác tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy, CNCH. Trong đó, năm 2024 tỉnh đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức thực tập phương án chữa cháy, tìm kiếm CNCH tại Khách sạn Wyndham Legend Hạ Long, Khách sạn Vân Hải và khu vực biển Cửa Lục, với sự tham gia của hơn 2.000 người, 100 phương tiện chữa cháy và CNCH. Đây là phương án chữa cháy có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Quảng Ninh, góp phần nâng cao nhận, ý thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Công tác xây dựng phong trào tham gia PCCC ngày càng được quan tâm, nhân rộng các mô hình thực tiễn, có hiệu quả cao tại các khu dân cư, hộ gia đình, địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang duy trì 2.285 mô hình trong phong trào Toàn dân tham gia PCCC; trong đó có 1.567 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; 514 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, 189 khu dân cư an toàn PCCC; 1 mô hình cửa hàng gas an toàn về PCCC; 4 mô hình trường học an toàn PCCC; 3 mô hình chợ an toàn PCCC.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung triển khai nhiều giải pháp khắc phục dứt điểm các tồn tại, vi phạm về PCCC&CNCH đối với các trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, trường học công lập, các thiết chế văn hóa thể thao, chợ và các công trình khác có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách... Đặc biệt, đã giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong thực hiện công tác PCCC&CNCH.
Đẩy mạnh công tác phòng ngừa
Theo dự báo, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà dân vừa để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ, cơ sở tập trung đông người... Điều này đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cùng các cấp, ngành phải chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và khoa học; tăng cường công tác PCCC trên toàn tỉnh.
Thượng tá Trần Huy Nghị, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) khẳng định: Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là đối với những địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; tiếp tục rà soát các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC&CNCH, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn.
Với phương châm phòng là chính, từ đó giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nhất là về con người, bởi bảo vệ tính mạng của người dân chính là bảo vệ an ninh con người, là mục tiêu cao nhất của bảo vệ ANTT, phát triển KT-XH, toàn tỉnh đang nỗ lực bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn PCCC đối với từng cơ sở, từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kỹ lưỡng, thường xuyên kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng PCCC, nhất là kỹ năng ứng phó với hỏa hoạn cho nhân dân, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.
Ngoài ra, các địa phương tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình, phong trào như: Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng; vận động người dân nâng cao cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời với các sự cố cháy, nổ một cách hiệu quả nhất; đồng thời tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác PCCC&CNCH.
"Các cấp, các ngành và toàn thể quần chúng nhân dân cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về công tác PCCC&CNCH, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ. Từng người dân, từng gia đình hãy tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, tích cực hưởng ứng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” để bảo vệ sự an toàn cho chính mình, cho gia đình và cho toàn xã hội" - Thượng tá Trần Huy Nghị khẳng định.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()