Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 10:03 (GMT +7)
Huyết áp thấp có nguy hiểm, dùng thuốc thế nào?
Thứ 6, 15/10/2021 | 09:34:36 [GMT +7] A A
Không chỉ tăng huyết áp mà huyết áp thấp cũng gây nên các biến chứng nguy hiểm. Vậy có thuốc nào dùng để chữa huyết áp thấp?
Thế nào là huyết áp thấp?
PGS.TS.Nguyễn Đức Hải (Viện trưởng Viện điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện TWQĐ 108) cho biết: Ở người trưởng thành, có sức khỏe bình thường, mức huyết áp ổn định là dưới 130/80mmHg. Người có huyết áp thấp là khi tình trạng huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó.
Huyết áp thấp dễ xảy ra với những người có thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, cơ thể bị suy nhược do làm việc quá sức, stress, mất ngủ...
Với người phải áp dụng giảm cân vì mắc các bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường; những bệnh nhân bị suy giảm hoạt động của tuyến giáp hoặc khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormone của tuyến giáp, sẽ có nguy cơ hạ huyết áp, kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc, mạch chậm, huyết áp thấp và rất mệt mỏi.
Huyết áp thấp có nguy cơ gì?
Trong khi tăng huyết áp được coi là "sát thủ giấu mặt" của sức khỏe, thì huyết áp thấp lại nhận được ít sự quan tâm hơn. Do khi bị hạ huyết áp, bệnh nhân chỉ cảm thấy khó chịu mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt… Sau khi qua cơn hạ huyết áp, các triệu chưng hết đi, cơ thể lại trở về bình thường, nên nhiều người rất chủ quan với triệu chứng này.
PGS.TS.Nguyễn Đức Hải cho biết: Nếu bệnh nhân bị hạ huyết áp nhiều lần, sẽ làm hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng. Cơ thể cũng không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận có thể dẫn đến các tổn thương tại cơ quan này.
Nếu huyết áp càng thấp, cơn hạ huyết áp càng nhiều, thì tỷ lệ bị mất trí nhớ càng cao. Ở những người huyết áp thấp có tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer rất cao.
Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Và một điều ít ai biết, huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não chiếm tỷ lệ 10 - 15% giống như tăng huyết áp; 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp. Đây là điểm rất đáng lưu ý đối với các bệnh nhân điều trị các thuốc hạ áp.
Điều trị huyết áp thấp như thế nào?
Để điều trị bệnh, trước hết người bệnh cần đến khám và tư vấn các bác sĩ chyên khoa tim mạch để được chẩn đoán, loại trừ các nguyên nhân gây nên huyết áp thấp.
Trước hết, nếu có căn nguyên gây huyết áp thấp thì cần điều trị căn nguyên. Khi nguyên nhân gây huyết áp thấp được điều trị ổn định thì tình trạng huyết áp thấp cũng sẽ hết.
Về việc điều trị huyết áp thấp không rõ căn nguyên, mục đích là phải nhanh chóng đưa huyết áp về trạng thái bình thường sau đó duy trì để tránh tái phát cơn hạ huyết áp.
Theo PGS.TS.Nguyễn Đức Hải: Hiện nay chưa có một loại thuốc tây y nào có hiệu quả lâu dài đối với bệnh này. Các thuốc chỉ nhằm mục đích điều trị triệu chứng chứ không điều trị được bệnh. Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc có tác dụng nâng huyết áp tạm thời như heptaminol, metaraminol…
- Thuốc heptaminol: Là thuốc có tác dụng trợ tim mạch, tăng sức bóp của tim, bảo vệ mạch máu và ức chế tại chỗ đối với một số hóa chất trung gian gây đau như histamin, serotonin. Thuốc được chỉ định điều trị hạ huyết áp tư thế, đặc biệt là hạ huyết áp trong trường hợp do dùng thuốc hướng tâm thần. Thuốc có nhiều dạng sử dụng, nhưng với thuốc được kê đơn cho bệnh nhân uống tại nhà thì chỉ ở dạng thuốc viên uống. Bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Không dùng thuốc cho các trường hợp bệnh nhân đang bị cường giáp; đang dùng thuốc ức chế enzyme monoamine oxidase (thuốc IMAO) trong điều trị trầm cảm; bệnh nhân bị động kinh, tăng huyết áp mạn tính… Do thuốc gây nguy cơ tăng huyết áp đột ngột. Trong trường hợp vô tình sử dụng quá liều thuốc, cần đến ngay bệnh viện để được điều trị và theo dõi kịp thời.
Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc như: Nổi mề đay, phát ban da, gây nhịp tim nhanh, phù mạch, giãn đồng tử. Tuy nhiên, hầu hết các tác dụng phụ này đều có mức độ nhẹ và cũng không cần thiết phải ngừng uống thuốc. Nhưng nếu triệu chứng của tác dụng phụ kéo dài, có chiều hướng nặng lên, bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục.
Ngoài ra, thuốc còn có thể tương tác bất lợi với một số thuốc điều trị bệnh khác. Do đó, bệnh nhân cần chủ động thông báo với bác sĩ các thuốc đang uống để tránh tương tác thuốc.
- Thuốc metaraminol: Được chỉ định dùng để điều trị hạ huyết áp cấp tính do mất trương lực co mạch. Do metaraminol có chỉ định sử dụng nghiêm ngặt, nên bệnh nhân tuyệt đối phải theo chỉ định của bác sĩ. Không bao giờ được nghe mách bảo theo kinh nghiệm để tự mua thuốc này về uống.
Khi đi khám bệnh, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc được kê đơn hoặc thuốc không cần kê đơn (OTC); các thuốc gây dị ứng (nếu có), các vấn đề về sức khỏe khác, để bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc cho bệnh nhân.
Thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ hơn đối với bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên. Không dùng cho người dưới 12 tuổi, phụ nữ mang thai (hoặc dự định mang thai), phụ nữ cho con bú.
Các tác dụng phụ thường gặp như: Phát ban, nổi mề đay, ngứa, da đỏ, khàn giọng… Thuốc có thể gây tăng huyết áp với các triệu chứng như đau đầu hoặc chóng mặt; nhịp tim không bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, nặng hơn lên cần báo ngay với bác sĩ để có hướng dẫn xử trí kịp thời.
Biện pháp dự phòng huyết áp thấp
Theo PGS.TS.Nguyễn Đức Hải: Khi bị huyết áp thấp, bệnh nhân thường được tư vấn chế độ ăn mặn hơn bình thường và bổ sung thêm các đồ uống có chất kích thích như chè, cà phê…
Để hạn chế hạ huyết áp tư thế, bệnh nhân không nên thay đổi tư thế một cách đột ngột từ tư thế thấp sang tư thế cao. Khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy như để chân trên giường, sau đó mới từ từ thả chân xuống; ngồi một lúc rồi mới đứng lên.
Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya. Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khoẻ và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp.
Ăn đủ các bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Nên ăn sáng với những thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước hoa quả ép (nên thêm một ít muối) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì việc chỉ ăn 3 bữa chính như thông thường. Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần giàu protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi.
Uống đủ lượng nước rất quan trọng, bởi nếu cơ thể bị thiếu nước sẽ dễ xảy ra tình trạng bị khử nước. Điều này càng đặc biệt quan trọng hơn trong khi đang luyện tập hoặc hoạt động, làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng nóng. Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()