Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:16 (GMT +7)
Intel sắp thâu tóm nhà máy chip 30 tỷ USD
Thứ 7, 17/07/2021 | 16:02:01 [GMT +7] A A
Theo một báo cáo từ Wall Street Journal (WSJ), Intel đang đàm phán để mua nhà máy chip GlobalFoundries có trụ sở tại Mỹ với giá khoảng 30 tỷ USD.
Bên trong nhà máy sản xuất chip đắt đỏ nhất thế giới có gì?Kiến trúc sư thiết kế chip nổi tiếng tái gia nhập IntelCông ty được Trung Quốc hậu thuẫn mua nhà máy chip lớn nhất nước Anh
Mặc dù, hiện tại Intel chưa xác nhận báo cáo trên, nhưng nếu đúng, kế hoạch này sẽ chặn đứng kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được công bố rộng rãi của GlobalFoundries vào cuối năm nay.
Tin tức được đưa ra sau các báo cáo gần đây cho biết, Intel đang đàm phán để mua nhà thiết kế chip RISC-V SiFive có trụ sở tại Mỹ với giá 2 tỷ USD khi công ty này đang trải qua một nỗ lực tái cơ cấu lớn dưới thời Giám đốc điều hành mới Pat Gelsinger.
Kế hoạch mua lại nhà sản xuất bán dẫn GlobalFoundries của Intel cũng được đưa ra khi họ vận động chính phủ Mỹ trợ cấp để tăng cường năng lực sản xuất của mình, đặc biệt là để giúp tài trợ cho sáng kiến sản xuất thiết bị tích hợp (IDM 2.0) của họ.
Đồng thời, công ty này cũng cho ra mắt dịch vụ có tên Intel Foundry Services để sản xuất chip cho các công ty khác. Đây là một sự thay đổi lớn đối với công ty có trụ sở tại Santa Clara, California. Intel đã cam kết bỏ ra 20 tỷ USD tiền riêng của mình để khởi động sáng kiến đó với hai nhà máy ở bang Arizona của Mỹ.
Mua lại GlobalFoundries sẽ là một cú hích ngay lập tức cho sáng kiến đó, nhờ vào việc tiếp nhận một đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm và một doanh nghiệp đúc lớn. Năng lực sản xuất của GlobalFoundries đối với các tiến trình công nghệ bán dẫn tiên tiến, vốn là động lực thúc đẩy khối lượng lớn nhất cho hầu hết các thiết bị của bên thứ ba, cũng sẽ phù hợp với kế hoạch của Intel để bắt đầu cung cấp dịch vụ sản xuất của mình cho các bên khác.
Mặc dù, GlobalFoundries đã từ bỏ cuộc đua về công nghệ bán dẫn tiên tiến hàng đầu nhưng nó vẫn có rất nhiều cơ sở sản xuất ở Mỹ với năng lực sản xuất ấn tượng. Công ty này đã ký hợp đồng dài hạn với chính phủ Mỹ trong việc sản xuất chip bán dẫn cho một số dự án quân sự. Do đó, công việc hiện tại của công ty với chính phủ Mỹ khiến nó trở thành một điểm mạnh để được chính phủ tài trợ.
GlobalFoundries, xưởng đúc cũ của AMD, có trụ sở chính tại Mỹ. Công ty hiện thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư Mubadala, một chi nhánh đầu tư của chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hiện GlobalFoundries đang thông báo rộng rãi để tìm kiếm một cuộc IPO. Tuy nhiên, theo WSJ, GlobalFoundries có thể tiến hành IPO theo kế hoạch nếu các cuộc đàm phán với Intel không thành công.
Thỏa thuận được đề xuất sẽ vượt qua thương vụ mua lại nhà sản xuất các thiết bị logic lập trình Altera trị giá 16,7 tỷ USD trước đây của Intel. Intel gần đây đã bán đứt mảng kinh doanh bộ nhớ NAND và bộ nhớ thể rắn (SSD) của mình cho SK hynix của Hàn Quốc với giá 9 tỷ USD vì họ có vẻ tập trung vào năng lực cốt lõi của mình là sản xuất các thiết bị logic có tỷ suất lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, một thỏa thuận Intel-GlobalFoundries chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Giám đốc điều hành của Intel Pat Gelsinger cũng đã có chuyến công du khắp EU để vận động hỗ trợ tài trợ của chính phủ để xây dựng các nhà máy sản xuất bán dẫn ở đó, các khoản đầu tư của công ty vào châu Âu có thể lên tới 100 tỷ USD.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()