Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:36 (GMT +7)
Israel cho phép tiêm liều thứ tư vaccine COVID-19
Thứ 2, 03/01/2022 | 14:36:23 [GMT +7] A A
Ngày 2/1, Thủ tướng Israel Naftali Bennett thông báo, nước này sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều thứ tư cho những người trên 60 tuổi và đội ngũ nhân viên y tế.
Thủ tướng Israel Bennett đã đưa ra thông tin trên tại buổi họp báo về công tác ứng phó với biến thể Omicron đang hoành hành ở nước này.
Thủ tướng Israel cũng cảnh báo, đỉnh điểm của làn sóng COVID-19 thứ 5 ở Israel có thể lên tới 50.000 ca bệnh/ngày.
Biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh khiến Israel đứng trước nguy cơ thiếu hụt các bộ kit xét nghiệm. Bộ Y tế nước này đang cân nhắc khả năng chỉ yêu cầu những người trên 60 tuổi có triệu chứng nhiễm bệnh mới phải xét nghiệm.
Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo đã cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir do công ty Merck (Mỹ) sản xuất, sau quyết định tương tự đối với thuốc Paxlovid của Pfizer.
Thông báo của Bộ Y tế nước này cho biết, Israel đã ký một thỏa thuận với công ty Merck để mua thuốc Lagevrio (tên gọi khác là Molnupiravir) để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển tới Israel trong vài ngày tới, nhưng chưa rõ số lượng thuốc trong hợp đồng này là bao nhiêu.
Thuốc Lagevrio được cho là kém hiệu quả hơn so với Paxlovid của Pfizer, nhưng cũng có thể giúp giảm 30% tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 thuộc các nhóm đối tượng có nguy cơ cao phải nhập viện điều trị và tử vong.
Tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Israel thời gian gần đây đang tiếp tục tăng mạnh, với số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày khoảng 5.000 người. Tính đến ngày 2/1, Israel đã ghi nhận hơn 1,392 triệu ca COVID-19, trong đó có 8.244 người tử vong.
Giáo sư Eran Segal của Viện Khoa học Weizmann dự báo, số ca lây nhiễm tại Israel trong vòng 2 tuần tới sẽ tăng vọt lên mức hơn 30% (1/3) tổng dân số 9,5 triệu người của nước này.
Israel là quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng giai đoạn đầu nhanh nhất thế giới vào khoảng một năm trước. Đây cũng là quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường sau khi nhận thấy khả năng miễn dịch với virus gây bệnh COVID-19 sẽ suy giảm theo thời gian.
Các chính sách của Israel liên quan việc tiêm các mũi vaccine tăng cường được các nước khác rất quan tâm, trong đó có Mỹ, quốc gia đang cân nhắc việc tiêm các mũi tăng cường.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()