Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:11 (GMT +7)
Kéo co: Điểm mạnh của thể thao Bình Liêu
Thứ 7, 18/03/2023 | 09:54:32 [GMT +7] A A
Không chỉ là món ăn tinh thần quan trọng trong các lễ hội, Bình Liêu còn là địa phương phát triển mạnh môn kéo co ở các Đại hội Thể dục thể thao tỉnh và còn là đại diện cho tỉnh thi đấu và tỏa sáng ở các giải cấp Quốc gia.
Kéo co không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần đoàn kết, mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người. Ở các lễ hội xuân và lễ hội trong năm ở Bình Liêu, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống không thể thiếu, thu hút đông đảo người chơi.
Kéo co được phát triển ở Bình Liêu và các địa phương khác trong tỉnh cách đây khoảng 20 năm. Ban đầu, môn này được tập luyện như một môn thể thao giải trí, rèn luyện sức khỏe. Thời điểm đó, trong tỉnh cũng chưa có giải đấu nào về kéo co. Cho tới những năm 2010 mới có các hoạt động, các giải thi đấu mang tính cọ xát. Và từ môn thể thao phong trào, kéo co được nâng lên thành môn thi đấu, môn thể thao mang tính đồng đội, chiến thuật và có nghệ thuật tập luyện, thi đấu riêng biệt...
Theo lãnh đạo Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Bình Liêu thì ở huyện, môn thể thao này lại có “đất” phát triển và phát triển mạnh hơn các địa phương khác bởi Bình Liêu ưu tiên, coi kéo co là hoạt động không thể thiếu trong các lễ hội lớn như: Lễ hội Kiêng gió, Soóng cọ, hoa sở... Tại đây, kéo co được tổ chức chính thức như một giải đấu, có sự ganh đua, cạnh tranh của các xã, thôn, bản. Nhờ đó, Bình Liêu lại càng có cơ hội tìm kiếm, sàng lọc được các VĐV có tố chất, làm đại diện thi đấu trong tỉnh và quốc gia.
Theo thời gian, kéo co cũng được đưa vào thi đấu ở các giải thể thao dân tộc trong tỉnh như: Ngày hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc thiểu số tổ chức 2 năm/lần luân phiên ở các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà, Bình Liêu... Nhờ tạo điều kiện phát triển, Bình Liêu có đội tuyển kéo co rất mạnh, thường xuyên thống trị ở các giải đấu trong tỉnh và trở thành đại diện cho Quảng Ninh thi đấu toàn quốc. Bình Liêu thi đấu ở các giải cấp quốc gia lần đầu tiên vào khoảng những năm 2010. Dù vậy, Quảng Ninh không phải là đối thủ của các tỉnh mạnh nên chỉ tham gia mang tính... học hỏi. Thậm chí, ban đầu, Bình Liêu phải cho các VĐV các môn đẩy gậy, bắn nỏ, chạy băng rừng... vào đấu sau khi họ thi đấu xong.
Để tạo tiền đề vững chắc, kéo co đã được tỉnh đưa vào hệ thống thi đấu chính thức như: Hội khỏe Phù Đổng, Ngày hội Văn hoá - Thể thao công chức viên chức lao động, Ngày hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc... Theo thời gian, kéo co ngày càng được quan tâm hơn. Kéo co đã được đưa vào thi đấu ở Đại hội Thể thao tỉnh, rồi lọt vào danh sách thi đấu thể thao thành tích cao ở Đại hội Thể thao toàn quốc.
Trong tỉnh, với thế mạnh phong trào, lại được cọ xát ở các giải cấp quốc gia, Bình Liêu nhanh chóng thống trị các giải đấu trong tỉnh, giành được 4/6 HCV ở Đại hội Thể thao tỉnh năm 2018 và 6/6 HCV ở Đại hội Thể thao tỉnh năm 2022. Cùng với sự tiến bộ và thành tích cao dần của các môn thể thao dân tộc ở các giải quốc gia, kéo co cũng được Bình Liêu quan tâm mời HLV giỏi ở Bắc Giang về huấn luyện, mua trang thiết bị chuyên dụng thi đấu...
Nhờ sự quan tâm đầu tư đó, Bình Liêu dần đoạt được các thành tích đáng kể, dần rút ngắn khoảng cách với các đội mạnh như: Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Giang... Thành tích ấn tượng nhất của kéo co là đoạt được tấm HCĐ ở nội dung kéo co nam nữ ở Ngày hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc phía Bắc lần thứ X ở Vĩnh Phúc, nơi quy tụ nhiều đội mạnh.
Được biết, hiện, để gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao đã xây dựng đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Các môn thể thao dân tộc được quan tâm, củng cố, phát huy, đầu tư ngân sách và đưa vào hệ thống thi đấu. Đây là điều kiện để kéo co và các môn thể thao dân tộc có cơ hội được quan tâm, đầu tư mạnh hơn, phát huy thế mạnh... để có thể cạnh tranh, tỏa sáng ở các giải cấp quốc gia.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()