Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:28 (GMT +7)
Kéo gần khoảng cách vùng, miền
Thứ 2, 15/07/2024 | 08:04:03 [GMT +7] A A
Diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn Quảng Ninh những năm gần đây có sự thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân ngày một nâng lên... Để có được kết quả đó, thời gian qua tỉnh đã tập trung giải quyết tốt 3 vấn đề cốt lõi thuộc lợi ích của nhân dân (dân sinh, dân trí, dân chủ). Đồng thời, ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, tạo động lực cho phát triển KT-XH của địa phương.
Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội
Với 9 năm tăng trưởng liên tiếp ở mức 2 con số (2015-2023), Quảng Ninh đang là địa phương có quy mô nền kinh tế lớn thứ 3 miền Bắc. Tuy nhiên, dù sở hữu đến 4 thành phố, 2 thị xã, song Quảng Ninh có trên 70% đơn vị hành chính cấp xã là nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo (vùng khó). Quảng Ninh có 42 dân tộc thiểu số, dù chỉ chiếm hơn 12% dân số, nhưng lại cư trú tại hơn 85% diện tích của tỉnh, chủ yếu ở địa bàn vùng khó, nhưng có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh...
Đây là thách thức không nhỏ đối với địa phương trong thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền”; để mọi người dân được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhận thức đầy đủ khó khăn, mâu thuẫn, thách thức đan xen để lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển, trong từng bước đi, tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thực hiện công bằng xã hội là chủ trương, quan điểm nhất quán của tỉnh, thể hiện bản chất nhân văn, tốt đẹp của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh xác định rất rõ đó là không chờ kinh tế phát triển rồi mới giải quyết các vấn đề xã hội, mà ngay trong từng bước đi, suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Trên cơ sở này, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ vùng khó, xoá dần khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược... Từ đó, diện mạo khu vực vùng khó ngày một thay đổi, đời sống nhân dân được nâng lên theo tiêu chí của hạnh phúc.
Điểm nhấn trong các chính sách nổi bật của Quảng Ninh thời gian qua là Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nghị quyết của "Ý Đảng - Lòng dân", thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với lợi ích phát triển chung của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Nghị quyết phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn phát triển mới theo định hướng là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, động lực tăng trưởng kinh tế bền vững của khu vực phía Bắc.
Bắt tay thực hiện, cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các giải pháp, chương trình hành động gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm mới, mô hình tiêu biểu phù hợp với từng vùng, địa bàn cụ thể. Đến nay, tinh thần Nghị quyết 06 đã thể hiện sâu sắc tầm nhìn chiến lược, sự phù hợp với đặc thù, yêu cầu, tình hình thực tiễn của tỉnh, đem lại hiệu quả rất rõ nét.
Tỉnh đã hoàn thành và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng, cốt lõi trong nghị quyết; hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, như: Xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được đầu tư lớn, cơ bản đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông tổng thể, tạo ra động lực và các điều kiện mới, thuận lợi cho phát triển của vùng khó.
Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” và quan điểm NSNN là “vốn mồi” tạo ra động lực để thu hút các nguồn lực khác, trong 3 năm (2021 đến 2023), tỉnh đã huy động trên 118.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng. Trong đó, vốn NSNN khoảng 19.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 16%, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa. Như vậy, từ 1 đồng NSNN đầu tư, tỉnh đã huy động được hơn 5 đồng ngoài ngân sách để đầu tư phát triển, nâng cao được chất lượng đời sống nhân dân cho khu vực khó khăn của tỉnh.
Điểm nhấn ấn tượng là vai trò chủ thể của người dân, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp đồng hành cùng tỉnh rất mạnh mẽ, từng bước thực hiện công bằng xã hội, đưa đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân nâng lên. Quảng Ninh đã hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch vùng miền khi thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thị trấn vùng khó đạt trên 73 triệu đồng/năm, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người trong cả nước. 100% số xã miền núi có đường ô tô đến tận thôn, bản; 100% hộ dân các xã thuộc khu vực vùng khó được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh...
Những kết quả nổi bật trên là minh chứng khách quan, sinh động cho việc cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhất là phương châm lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều này, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, quan trọng về diện mạo ở vùng khó; tạo nền tảng, cơ sở vững chắc để tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện và hoàn thành thắng lợi toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong cả giai đoạn.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông - động lực phát triển vùng khó
Sau nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ vùng khó, kéo giảm chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh được triển khai, có thể thấy rõ những thay đổi bước đầu tại các khu vực vùng khó đang tạo ra nền tảng vững chắc, khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới cho nhân dân. Các hoạt động kinh tế được nâng lên rõ rệt; an sinh xã hội được được đảm bảo và phát huy hiệu quả; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện. Bước đầu đưa các di sản văn hóa phi vật thể, văn hóa bản địa và tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo nét mới, sinh động trong đời sống nhân dân vùng khó.
Đóng góp vào khí thế mới đó, không thể không nhắc đến vai trò của hạ tầng giao thông. Những công trình được ví như "luồng gió" mới thổi bùng lên khát vọng phát triển, đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông, tổng thể, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi không chỉ nội huyện và liên huyện mà còn kết nối với hạ tầng giao thông động lực của tỉnh. Từ đó, mở rộng không gian, tạo ra các điều kiện phát triển mới, biến tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương thành nguồn tổng lực chung cho tỉnh; phục vụ phát triển sản xuất, tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân và đặc biệt sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Sơn (TP Hạ Long) Bùi Vĩnh Dương cho biết: Hạ tầng giao thông tốt, các chính sách dân tộc, hỗ trợ vùng khó, hỗ trợ giáo dục, y tế, việc làm được đẩy mạnh thực hiện đã giúp người dân vùng khó thụ hưởng đầy đủ, kịp thời những chương trình, dự án, chính sách của tỉnh và Trung ương. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng vùng khó của tỉnh ngày càng được nâng lên rõ rệt; nông sản bà con làm ra được thương lái đến tận nơi thu mua, giải quyết kịp thời đầu ra. Nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân cũng thay đổi. Nhân dân phấn khởi, có nhiều tư duy, cách làm mới trong phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, mở ra cơ hội thoát nghèo.
Nhiều năm trước, để đi từ trung tâm TP Hạ Long đến xã Đồng Sơn, trung bình mất hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển trên cung đường dài hơn 20km nhỏ hẹp, nhiều khúc cua nguy hiểm. Thời gian này đã được rút ngắn 1/2 khi dự án cải tạo tỉnh lộ 342 nối Sơn Dương - Đồng Sơn hoàn thành.
Nhất quán quan điểm “giao thông đi trước một bước”, lấy phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối, liên kết vùng đi trước, tạo ra không gian và các điều kiện mới cho thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, Quảng Ninh tiếp tục tập trung toàn diện, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng khó.
Để thực hiện mục tiêu này, ngày 25/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1868/QĐ-UBND về việc triển khai Đề án cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn đảm bảo đồng bộ với lộ trình nâng cấp đô thị theo quy hoạch của các địa phương. Qua đó hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trong tỉnh đồng bộ, sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn - văn minh - ngày càng hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc Quảng Ninh và phát triển bền vững; kết nối vùng thấp với vùng cao, đất liền với các đảo, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hạ tầng, mở rộng không gian phát triển để tạo động lực tăng trưởng mới cho các địa phương.
Dự kiến đến năm 2025, tỉnh đầu tư thêm 73 dự án với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng, đảm bảo 100% các xã đảo hoàn thành chỉ tiêu về giao thông đáp ứng mục tiêu lâu dài phù hợp với tiêu chí đô thị du lịch; đường giao thông tại các khu dân cư hiện hữu đảm bảo đạt tối thiểu cấp A, tiêu chuẩn quốc gia với mặt đường 2 làn xe tối thiểu, hoàn thiện hệ thống thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh… Cơ bản xoá các tuyến ngầm, tràn, thay thế bằng cầu hoặc cống hộp để đảm bảo giao thông thông suốt khi mưa úng, ngập lụt. Tại các vị trí cầu treo dân sinh cũ hạn chế về tải trọng sẽ được nghiên cứu đồng thời xây dựng cầu bê tông vĩnh cửu và bảo tồn cầu treo chuyển thành sản phẩm du lịch… Từ đó, nâng cao chất lượng giao thông nông thôn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ khu vực vùng khó, từng bước hình thành hạ tầng đô thị trong xây dựng nông thôn kiểu mẫu.
Đến năm 2030, sẽ đầu tư khoảng 206 dự án. Tỉnh căn cứ cơ chế tài chính - ngân sách và nguồn lực của giai đoạn trung hạn để xem xét lựa chọn các danh mục ưu tiên trên cơ sở định hướng phát triển theo lộ trình, trong đó mục tiêu tiếp tục xây dựng các công trình có tính chất kết nối động lực mới theo định hướng phát triển của các huyện, thị xã, thành phố gắn với phát triển của tỉnh…
Theo lộ trình, đến năm 2030 Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Với những quyết tâm, ưu tiên đầu tư cho khu vực vùng khó, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh chắc chắn sẽ được kéo giảm, người dân được hưởng các thành quả của phát triển, tăng trưởng bao trùm.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()